Thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất, giấy phép xây dựng đang “tồn kho” quá nhiều và chậm được xử lý. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn TP HCM, ngày 2/11.
Ảnh minh họa.
Đại diện Sở Tư pháp TP HCM cho biết, tính đến tháng 10/2016, Sở Tư pháp thành phố tiếp nhận 205 phản ánh, kiến nghị.
Trong đó có 129 trường hợp phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng quy định thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước.
Ngoài ra, dựa trên số liệu thống kê của Sở Tư pháp thành phố thấy rõ, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn liên quan đến nhà đất chưa có sự chuyển biến rõ nét.
Cụ thể, có đến 109/129 hồ sơ nhà đất tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm, chiếm tỷ lệ 85,5%, chưa kể một số trường hợp số liệu thống kê chưa chính xác.
Thậm chí có trường hợp thống kê tỷ lệ hồ sơ đúng hạn là 100% nhưng qua công tác kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều hồ sơ trễ hẹn.
Hồ sơ thủ tục nhà đất bị ùn ứ dài ngày tại các cơ quan hành chính được đại diện các quận-huyện bày tỏ lo ngại. UBND quận 8 thông tin, quận giải quyết tiếp nhận 420.506 hồ sơ thủ tục hành chính, cơ bản giải quyết tốt song vẫn còn tồn 1.290 hồ sơ.
Điều đáng chú ý, số hồ sơ tồn kho đa phần là hồ sơ về giấy chứng nhận quyền sửu dụng đất, giấy cấp phép xây dựng. Không riêng quận 8 “tồn kho” hồ sơ nhà đất, đại diện huyện Củ Chi cho hay, cơ quan chức năng huyện tiếp nhận hơn 343.000 hồ sơ nhưng có đến 0,67% hỗ sơ trễ hẹn, trong đó tập trung chủ yếu là hồ sơ về đất đai và giấy cấp phép xây dựng.
Tương tự, huyện Bình Chánh tiếp nhận hơn 43.000 hồ sơ nhưng trễ hẹn 18%. Hồ sơ trễ hẹn đa phần là hồ sơ về cấp giấy phép xây dựng, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
Lý giải nguyên nhân trên, ông Nguyễn Văn Hồng-Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh khẳng định: “Do thành phố thực hiện chủ trương dồn hồ sơ nhà đất về một mối nên mới xảy ra tình trạng “ùn ứ” như thời gian qua.
Văn phòng đăng ký đất đai thành phố đã đi vào hoạt động nhưng vẫn còn lấn cấn vì vậy hồ sơ trễ hẹn gia tăng”. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, trước đây các hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất được ký duyệt ở 24 quận-huyện.
Mỗi quận-huyện cho hai phó chủ tịch (một phó chủ tịch kinh tế, một phó chủ tịch đô thị) ký duyệt nên hồ sơ được xử lý nhanh chóng, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của người dân. Còn hiện nay Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố chỉ có 3 người ký hồ sơ của 24 quận-huyện nên không tránh khỏi tình trạng chậm trễ, ùn ứ.
Trước tình trạng hồ sơ tồn đọng chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là hồ sơ nhà đất, ông Trần Vĩnh Tuyến-Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhận định: “Thực ra cán bộ quận-huyện, thành phố đủ khả năng làm đúng hẹn nhưng không muốn làm. Cán bộ cố tình chậm chạp vì có chậm thì người ta mới “chạy”. Chính vì lẽ đó mới đẻ ra cơ chế xin-cho”.
Bàn về việc giải quyết hồ sơ nhà đất trên địa bàn thành phố, đầu tháng 8, tại phiên họp giải trình về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất cũng được Hội đồng nhân dân thành phố đề cập đến.
Riêng tỷ lệ chậm giải quyết hồ sơ chiếm tỷ lệ cao, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm-Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường phải đổi mới và ứng dụng tốt công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, hạn chế mức thấp nhất những bức xúc của người dân trong lĩnh vực nhà đất, xây dựng.