Tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật: Ngày càng nghiêm trọng

Phương Linh 18/11/2015 10:37

Từ lâu, người dân đã sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) trong sản xuất nông nghiệp để diệt trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng. Ngoài ra, cũng có nhiều loại hóa chất được sử dụng trong hóa chất nông nghiệp hoặc trong ngành y tế để diệt muỗi, phòng trừ sốt rét... 

Tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật: Ngày càng nghiêm trọng

Theo các chuyên gia, hóa chất bảo vệ thực vật làm thoái hóa đất,
ô nhiễm nước mặt.
Ảnh: Đức Anh.

Ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người

Trong nghiên cứu về ô nhiễm tồn lưu HCBVTV, do ThS Hồ Kiên Trung (Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường) và TS Trần Quốc Việt (Viện Môi trường nông nghiệp) thực hiện chỉ ra rằng: Các kho chứa HCBVTV tồn lưu hầu hết được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước. Khi xây dựng chưa quan tâm đến việc xử lý kết cấu, nền móng để ngăn ngừa khả năng gây ô nhiễm. Hơn nữa, từ trước đến nay các kho không được quan tâm tu sửa, gia cố hàng năm, nên đều đã và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng: Nền và tường kho phần lớn bị rạn nứt, mái lợp đã thoái hóa, dột nát. Hệ thống thoát nước hầu như không có nên khi mưa lớn tạo thành dòng mặt rửa trôi HCBVTV tồn lưu, gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt và ô nhiễm đất diện rộng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống người dân.

GS. NGND Đặng Kim Chi (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cũng nhận định: Việc sử dụng ngày càng tăng thuốc BVTV trong trồng trọt đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. HCBVTV từ nhiều nguồn khác nhau như bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi sau khi sử dụng, rửa bình bơm và dụng cụ pha chế không đúng nơi quy định, dư lượng thuốc BVTV còn sót lại trong các chai lọ quăng xuống ao, hồ… sẽ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và môi trường đất là nguy cơ đe dọa sức khoẻ cộng đồng và ô nhiễm môi trường.

Các loại HCBVTV tồn lưu gồm rất nhiều chủng loại và ở nhiều dạng khác nhau, từ dạng thuốc, dạng bột, dạng ống, dạng lẫn trong đất và cả loại không còn nhãn mác đa chủng loại... tập trung chủ yếu ở các khu vực kho thuốc của ngành y tế trong chiến tranh; kho cũ của các xã, hợp tác xã, các cơ sở và trong vườn các hộ dân; tại kho của Chi cục BVTV, các trạm BVTV phục vụ nông nghiệp. Theo kết quả điều tra, khảo sát thống kê cho thấy các kho HCBVTV tồn lưu hiện đang lưu giữ khoảng 217 tấn; 37 nghìn lít HCBVTV và 29 tấn bao bì.

Cũng trong nghiên cứu của ThS Hồ Kiên Trung và TS Trần Quốc Việt: Tác hại của HCBVTV là làm thoái hóa đất, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm không khí và gây ra ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Hóa chất gây ô nhiễm môi trường thông qua nhiều con đường khác nhau như nước thải từ kho chứa thuốc khi có sự cố đổ vỡ hóa chất, cháy nổ, sét đánh xảy ra, nước mưa chảy tràn qua các kho chứa hóa chất BVTV đã bị xuống cấp, lượng thuốc còn dư đọng lại trong chai bị quăng xuống ao, hồ, sông hay lượng thuốc dư thừa trong quá trình sử dụng quá liều lượng ngấm vào đất cũng như mạch nước ngầm...

Không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, HCBVTV tồn lưu với 4 tính chất độc hại, khó phân hủy, khả năng di chuyển xa, tích lũy sinh học còn gây ra những ảnh hưởng có hại đối với khả năng sinh sản, sự phát triển, hệ thần kinh, tuyến nội tiết và hệ miễn dịch đều có liên quan tới hóa chất. Con người bị nhiễm chủ yếu thông qua các thực phẩm ô nhiễm, các đường khác ít phổ biến hơn là uống nước ô nhiễm và tiếp xúc trực tiếp với hoá chất. Đối với con người và động vật có vú, các HCBVTV có thể được lây truyền thông qua nhau thai và sữa mẹ tới động vật sơ sinh…

1.562 điểm tồn lưu HCBVTV trên toàn quốc

Ngày nay, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, nông nghiệp… vấn đề ô nhiễm môi trường do sử dụng tùy tiện các loại hóa chất trong công nghiệp và HCBVTV trong nông nghiệp đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việc sử dụng ngày càng nhiều các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy và các loại HCBVTV có độc tính cao đã làm cho mức độ tồn lưu dư lượng các loại hóa chất này trong nông sản, thực phẩm, đất nước, không khí và môi trường ngày càng lớn. Các vụ ngộ độc thức ăn bởi HCBVTV, các loại bệnh tật do ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng và trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta hiện nay.

Theo kết quả điều tra, thống kê của Bộ TNMT và báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các điểm tồn lưu do HCBVTV từ thời kỳ bao cấp, chiến tranh, không rõ nguồn gốc hoặc nhập lậu (tính đến tháng 6-2015) trên địa bàn toàn quốc thống kê được 1.562 điểm tồn lưu do HCBVTV trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố. Căn cứ theo quy chuẩn của Bộ TNMT về ngưỡng xử lý HCBVTV hữu cơ theo mục đích sử dụng đất thì hiện có khoảng 200 điểm ô nhiễm tồn lưu do HCBVTV có mức độ rủi ro cao gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Mặc dù, trong chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, Bộ TNMT đã phối hợp triển khai xử lý được 60 điểm tồn lưu HCBVTV bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời xử lý thí điểm, tiêu hủy hơn 900 tấn hóa chất các loại chất thải chứa HCBVTV tồn lưu; xây dựng kỹ thuật quản lý các khu vực bị ô nhiễm do HCBVTV; tổ chức tập huấn, lập kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường do HCBVTV tồn lưu… Tuy nhiên, số lượng các điểm tồn lưu HCBVTV trên cả nước là rất lớn, cần được phòng ngừa và xứ lý mạnh hơn, đi vào nề nếp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật: Ngày càng nghiêm trọng