Huế đã trải qua 8 kỳ Festival, hoạt động văn hóa ấy đã góp phần tạo dựng thương hiệu cho vùng đất Cố đô. Ở kỳ tổ chức lần thứ 9 (diễn ra từ 29/4 đến 4/5), Festival Huế 2016 hướng tới kỷ niệm 710 năm Thuận Hóa- Phú Xuân- Thừa Thiên-Huế mang chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NSND Nguyễn Ngọc Bình- tổng đạo diễn chương trình khai mạc và bế mạc Festival Huế 2016.
PV: Lần đầu tiên ông được giao trọng trách tổng đạo diễn chương trình khai mạc Festival Huế 2016. Vậy chương trình năm nay có gì đặc biệt hơn các kỳ Festival trước?
NSND Nguyễn Ngọc Bình: Dưới góc độ và cách nhìn của những đạo diễn chương trình, ai cũng công nhận 8 kỳ Festival vừa qua đã thành công với nhiều màu sắc kháu nhau. Nhưng tôi có cảm giác những năm trước các chương trình khai mạc Festival có một cái gì đó thiếu bởi một Festival được tổ chức tại Huế nhưng màu sắc và bản sắc của vốn di sản của Huế chưa được nổi bật. Với Festival Huế 2016 này tôi sẽ nhấn mạnh bản sắc và vốn di sản văn hóa của Huế trong nội dung các tiết mục đêm khai mạc của Festival. Cùng với đó sẽ giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của hai đầu đất nước.
Vậy sự khác biệt đó được thể hiện cụ thể thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi chia nội dung thành 3 phần chính. Đặc biệt trong đó có phần thứ nhất với chủ đề “Huế thành phố di sản”, ở chủ đề này tôi muốn nhấn mạnh Huế với 710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân bằng ngày hội từng bừng của người dân Huế, cũng như nhớ đến công ơn của các bậc tiền nhân đã gầy dựng nên mảnh đất này. Nội dung của phần này sẽ là “Âm sắc hội cố đô” và “Trầm tích Huế thơ”, khai thác chất liệu cung đình và dân gian Huế. Các phần tiếp theo là Huế với hai đầu đất nước và Huế với bạn bè quốc tế.
“Âm sắc hội cố đô” sẽ tái hiện lễ hội cung đình được lồng đan xen những điểm xuyến về lễ hội dân gian; “Trầm tích Huế thơ” sẽ khai thác chất liệu cung đình và dân gian, gồm múa lục cúng hoa đăng và múa hát chầu văn được phát triển thông qua sự biểu cảm của người nghệ sĩ. Đây chính là sự giao thoa văn hóa giữa cung đình và giân gian.
Ở những phần tiếp theo, liên quan tới nét đặc trưng nghệ thuật về văn hóa của hai đầu đất nước, chúng tôi khơi gợi sự gắn kết tình yêu của những con người Bắc, Trung, Nam thông qua bài hát “Hà Nội, Huế, Sài Gòn”. Tại chương trình, Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen sẽ biểu diễn theo sắc thái của Nam Bộ, một khối diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long sẽ diễn theo sắc thái của Bắc Bộ, và một khối của nghệ sĩ Huế biểu diễn theo sắc thái văn hóa của vùng sông Hương, núi Ngự.
Trước thềm Festival 2016, đã có nhiều ý kiến trong việc chọn bài hát đặc trưng về Huế, là tổng đạo diễn ông đã có sự lựa chọn như thế nào?
- Như đã nói, chúng tôi sẽ nhấn mạnh về chủ đề bản sắc và vốn di sản của Huế, nên ngoài việc giới thiệu văn hóa Bắc bộ bằng câu chuyện lịch sử kéo dài từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê…, giới thiệu văn hóa Nam Bộ bằng bài hát “Bài ca Đất phương Nam”. Riêng với Huế, chúng tôi chọn ca khúc “Dòng sông ai đã đặt tên” của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp. Với ca khúc này, tôi muốn khơi gợi tình yêu của khán giả về công chúa Huyền Trân, cùng với huyền tích khi nàng đặt chân đến vùng đất này, thì có một loài hoa thơm rơi xuống hai bên bờ sông Hương rồi chảy xuôi theo dòng nước. Ngoài ra, trong này cũng nhắc đến hình ảnh Phu Văn Lâu với những người anh hùng dân tộc như: Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân…
Lễ khai mạc của các kỳ Festival lần trước luôn có các đoàn nghệ thuật quốc tế cùng tham gia biểu diễn. Vậy lần này thì sao, thưa ông?
- Như đã nói ở trên, chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Huế 2016, khi dàn dựng chúng tôi sẽ đi vào 3 phần cụ thể, đó là Văn hóa Huế, Huế cùng hai đầu đất nước và Huế với bạn bè quốc tế. Trong phần Huế với bạn bè quốc tế, sẽ có các tiết mục của nhiều đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn trên nền nhạc nhạc hợp xướng bài hát “Huế thành phố Festival” của nhạc sĩ Lê Phùng. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn đang cố gắng liên lạc với các đoàn nghệ thuật quốc tế có tiết mục tham gia biểu diễn trong lễ khai mạc Festival Huế 2016.
Xin cảm ơn ông!
Xã hội hóa Festival Huế 2016 BTC Festival Huế 2016 vừa cho biết: Nét mới trong Festival Huế 2016 là tỉnh đã thực hiện xã hội hóa công tác tổ chức, từ vận động kinh phí tài trợ cho đến việc huy động các chương trình nghệ thuật tham gia. Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 42 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước tham gia; trong đó có hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế của 15 quốc gia. Các đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ khắp cả 5 châu lục, như Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, SriLanka, Australia, Hoa Kỳ, Colombia... Hai chương trình nghệ thuật lớn tham gia Festival Huế được thực hiện xã hội hóa đáng chú ý lần này là Ngày Phật giáo Huế - Lễ hội Quảng chiếu tại Nghinh Lương Đình và chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn tại công viên Trịnh Công Sơn. Hà Việt |