Sinh thời, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là việc chuẩn bị đội ngũ kế cận với các chức danh quan trọng, trong đó có người kế nhiệm ông làm Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Học viện Quốc phòng. (Ảnh: TTXVN).
Đại Đoàn Kết online giới thiệu bài viết: “Coi trọng việc chuẩn bị đội ngũ kế cận” của đồng chí Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bài viết trích từ cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2012).
Lần đầu tiên tôi biết ông Mười là do ông đã ra Côn Đảo thăm nghĩa trang Hàng Dương. Ông đã chụp một tấm ảnh đang thắp hương trước mộ bố tôi là ông Lê Xuân Thứ, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bình Định, Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (1930 - 1931).
Tôi nhớ vào khoảng năm 1997, lúc đó ông Mười đang làm Tổng Bí thư, có một lần ông đã tặng tôi tấm ảnh rất đẹp. Tôi vô cùng xúc động, vì tôi chưa bao giờ kể về bố tôi với ông. Ông thường nhắc nhở chúng tôi phải quan tâm đời con cháu của những bậc lão thành cách mạng, nhớ giáo dục, đào tạo họ thành những cán bộ trung thành của Đảng. Ông là nhà hoạt động chính trị có tầm cỡ. Những việc ông đã làm khiến chúng tôi phải suy nghĩ và noi theo.
Ông Mười có đặc điểm là rất ham đọc sách. Ông đọc thực sự để nghiên cứu tìm hiểu.
Tôi còn nhớ như in, vào năm 1987, ông Mười - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng ta do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư dẫn đầu sang Liên Xô công tác. Lúc rảnh rỗi, ông Mười rủ tôi tranh thủ ra thăm cửa hàng sách. Ông nhờ đồng chí phiên dịch đọc tên sách kinh tế và chính trị. Ông đặt mua mang về, nhờ dịch ra tiếng Việt để ông đọc. Mỗi khi tôi đến nhà thấy ông bày ra rất nhiều sách mới, ông giới thiệu cho tôi đọc.
Nhiệm vụ của Tổng Bí thư chủ yếu là chăm lo đường lối, chăm lo đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của Trung ương và địa phương. Ông luôn tổ chức nghiên cứu, vạch ra đường lối và theo dõi đến cùng quá trình thực hiện đường lối.
Vấn đề "dân chủ ở cơ sở" là sáng kiến của ông Mười. Điểm mới ở đây là dân chủ hóa trực tiếp ở cơ sở mà trước đây ít nói đến. Hà Nội là địa phương đi đầu thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ông yêu cầu chúng tôi đưa ông về làm việc tận phường, xã, xí nghiệp. Trong đường lối kinh tế, ông Mười rất chú ý vấn đề phát huy nội lực. Chính vì vậy mà chúng ta đã chống được tình trạng lạm phát.
Ông Mười đã rất quan tâm chuẩn bị đội ngũ kế cận, đặc biệt là các chức danh quan trọng, trong đó có người kế nhiệm ông làm Tổng Bí thư. Đã có những đồng chí được tiến cử để cho đi học, đi tham quan nước ngoài và cử về địa phương công tác, thử thách.
Ông Mười chọn Hà Nội là đơn vị làm thí điểm về vấn đề liên doanh giữa nhân dân với Nhà nước. Ông thường gọi tôi lên báo cáo tình hình diễn biến ra sao. Thấy tôi đau chân không chịu nghỉ vẫn cố đi làm, ông bảo tôi: "Tôi đã nói anh Lê Khả Phiêu, Thường trực Ban Bí thư chuẩn bị giấy tờ cho anh đi chữa bệnh ở nước ngoài". Tôi hết sức cảm động trước sự quan tâm sâu sắc của ông.
Ông Mười là một trong những học trò của Bác Hồ về tính liêm khiết.
Theo tôi, người cán bộ của Đảng, Nhà nước phải dùng đức trị - đó là liêm khiết, chí công vô tư, nêu gương giáo dục mọi người.
Nhà của ông Mười ở Hà Nội từ khi hòa bình lập lại (1954), ông ở chiến khu về, đến nay vẫn ở đó.
Ông Mười chấn chỉnh những lệch lạc về đường lối, ông phê phán gay gắt những ai thường suy nghĩ rằng: "Có tiền là mua được tất cả".
Ông là người nắm rất chắc tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi biết ông có một quyển sách ghi các câu nói của Bác Hồ để vận dụng vào đường lối cách mạng ở Việt Nam.
Trong lễ nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, ông đã nói rất sâu sắc, thấm thía, đại ý: Đảng viên không chỉ trung thành với Đảng, điều quan trọng nữa là giữ thanh danh, uy tín cho Đảng.