Tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi; đời sống nhân dân đang còn gặp nhiều khó khăn; những dự án treo kéo dài nhiều năm; sai phạm trong việc xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực... Đó là những búc xúc được cử tri 2 quận Ba Đình và Tây Hồ đề cập tại buổi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri chiều 12/10, tại Hà Nội trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội. Ảnh: X.Hải.
Ông Nguyễn Phong Khánh, cử tri phường Bưởi bày tỏ vui mừng khi tăng trưởng kinh tế tăng cao trong 9 tháng qua là dấu hiệu đáng mừng trong khi các nước tăng trưởng chậm. Tuy nhiên theo ông, cử tri còn băn khoăn nhiều năm chưa khắc phục được dự án treo tại các tỉnh thành, có dự án kéo dài trên 30 năm. Vì thế cần phải tổng điều tra các dự án, thấy dự án nào để quá lâu thì giao cho người dân sử dụng, khi dự án triển khai thì dân bàn giao lại.
Ông Khánh cũng đề cập vấn đề phòng chống tham nhũng. Theo ông Khánh: Công tác phòng chống tham nhũng chưa được như mong muốn, điều đó làm giảm lòng tin trong dân. “Dân bàn tán ngồi vào ghế nào thì bao nhiêu tỷ đồng, Trung ương có biết không? Quốc hội biết không? Chính phủ biết không? Giải quyết bằng cách nào?”- ông Khánh đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Văn Giản, cử tri phường Xuân La đề nghị nhất thể hóa cơ quan Đảng và chính quyền có cùng chức năng và nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy là Chủ tịch HĐND cùng cấp như Đà Nẵng đã làm. Tất cả các văn bản của các cơ quan chức năng phải gửi cho HĐND một bản để HĐND theo dõi và đánh giá.
Ông Trần Đình Khai, cử tri phường Giảng Võ phản ánh về tình trạng ban hành văn bản pháp luật nhưng luật chưa theo kịp sự vận động của cuộc sống. Cũng theo ông Khai, thời lượng phiên trả chất vấn còn ít nên có tình trạng trả lời câu giờ tròn vo. Thiếu lời hứa cụ thể khiến cử tri chờ đợi, không biết ai giám sát, do đó Quốc hội cần có sự đổi mới để nhân dân thấy quyết tâm của Quốc hội.
Nhắc lại Ban Chấp hành Trung ương vừa họp xong, trước vấn đề nhân sự Trung ương khóa tới, cử tri Nguyễn Hồng Toán, phường Tây Hồ đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương bàn thật kỹ, bàn thật sâu tránh tình trạng có phe cánh lợi ích nhóm.
Ông Nguyễn Đức Tuệ, cử tri phường Kim Mã bày tỏ bức xúc trước tình trạng người nước ngoài vào thuê đất đai của ta khiến dư luận lo lắng vì có thể làm nguy hại đến an ninh quốc gia, phá hoại kinh tế. Quốc hội cần có điều chỉnh chính sách về vấn đề đầu tư có yếu tố nước ngoài. Ông Tuệ cũng bày tỏ lo ngại trước vấn đề Biển Đông khi Trung Quốc đưa người và phương tiện để xây dựng đảo nhân tạo trong thềm lục địa của nước ta. Do đó ông đề nghị, hàng năm Quốc hội cần quan tâm dành một phần ngân sách để đầu tư cho quốc phòng, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri có nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng và xây dựng phản ánh đúng thực tế, ý kiến có trách nhiệm, phong phú. Tổng Bí thư bày tỏ: Đây là kỳ họp cuối năm 2015 cũng là kỳ sắp cuối của nhiệm kỳ, vì khoảng tháng 5 bầu cử Quốc hội khóa mới.
Nhiệm kỳ này thông qua 17 luật và cho ý kiến về 9 luật mới, đây đều là luật khó, chưa kể các nội dung như: Giám sát tối cao của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn, báo cáo của Chính phủ về vấn đề kinh tế xã hội 2015 và phương hướng mục tiêu năm 2016, hay quyết định các vấn đề ngân sách. Cho nên đây là kỳ họp có nội dung rất nặng, nội dung phong phú.
Đề cập đến vấn đề kinh tế xã hội, các vấn đề dân sinh, Tổng Bí thư nhận định, kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu nhưng còn nhiều khó khăn, phức tạp nên không được chủ quan.
Theo Tổng Bí thư, vừa rồi Ban Chấp hành Trung ương có họp về vấn đề này thấy thách thức còn nhiều, còn lớn, diễn biến phức tạp chưa tính hết. Ví dụ cuối năm nay hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Vì vậy thời cơ, cơ hội lớn nhưng cũng có nhiều thách thức. Đã vào sân chơi lớn nên phải sửa một loạt luật, vấn đề khó, không phải đơn giản. Hội nhập chứ không hòa tan là bài toán không đơn giản.
Trước vấn đề xây dựng pháp luật, Tổng Bí thư cho rằng, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật phải được quan tâm đúng mức. Chất lượng của luật cũng chính là từ ĐBQH. Vì vậy lựa chọn chất lượng ĐBQH là vấn đề quan trọng, và đây cũng là vấn đề liên quan đến công tác bầu cử sắp tới.