Tổng CTCP Sông Hồng (UPCoM: SHG) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ năm 2021 với loạt vấn đề nhất là việc kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.
Theo kiểm toán, đơn vị này chưa thu thập được đầy đủ tư xác nhận các khoản nợ phải thu với giá trị 37,5 tỷ đồng của SHG tại thời điểm cuối năm 2021; khoản nợ phải trả gần 115 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 45/2018 của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội và quyết định của Chi cục Thi hành án Dân sự quận Tây Hồ, SHG còn phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn (của số tiền nợ gốc 95,43 tỷ) chưa thanh toán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (19/6/2017).
Tại ngày 31/12/2021, một phần nợ gốc đã được chuyển sang cho Công ty TNHH MTV Triều Châu với giá trị gần 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, SHG chưa hạch toán số lãi quá hạn kể từ ngày 19/6/2017 đến ngày 31/12/2021. Do tính chất phức tạp của giao dịch và sổ sách của SHG, đơn vị kiểm toán không ước tính được số lãi quá hạn ghi nhận thiếu từ ngày 19/6/2017 đến 31/12/2021.
Theo đó, bất kỳ sự điều chỉnh nào liên quan đến khoản mục này cũng sẽ ảnh hưởng đến báo cáo tài chính riêng của SHG.
Ngoài ra, SHG đã cho bà Lê Thị Minh Nguyệt và CTCP Địa ốc Sông Hồng thuê phần diện tích tạm tính của khu văn phòng và khu dịch vụ thuộc dự án Nhà ở cao tầng I1, I2, I3 và văn phòng cho thuê Thành Công 2. SHG đã hạch toán tăng bất động sản đầu tư với giá trị 56 tỷ đồng, hạch toán toàn bộ doanh thu dự án với giá trị là 78,9 tỷ đồng và trích trước giá vốn dự án 56 tỷ đồng khi thủ tục quyết toán chưa hoàn thành.
Theo nghị quyết HĐQT SHG ngày 18/4/2022, quyết toán vốn đầu tư hoàn thành dự án này là hơn 831 tỷ đồng. Tuy nhiên giữa các bên chưa quyết toán giá trị phần diện tích mà SHG được phân chia.
Đơn vị kiểm toán đã thực hiện các thủ tục cần thiết nhưng không thể thu thập được các bằng chứng về ảnh hưởng của vấn đề này đến báo cáo của SHG.
Ngoài ra, số dư chi phí xây dựng dở dang công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tại ngày 31/12/2021 là 166,7 tỷ đồng. Do có thay đổi về thiết kế và đơn giá, SHG và tổng thầu là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam đang làm việc để đối chiếu khối lượng phát sinh. Đồng thời các khoản chi phí lãi vay phải thu lại từ các nhà thầu phụ liên quan cũng sẽ được điều chỉnh. Kiểm toán viên không thể ước tính được ảnh hưởng của các vấn đề này đến chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh của SHG.
Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, nợ ngắn hạn của SHG đã vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền 732,9 tỷ đồng. Năm 2021, SHG lỗ 89 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 203 tỷ đồng. SHG đang chịu một khoản lỗ luỹ kế đến ngày 31/12/2021 là 1.119 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 791 tỷ đồng.
Khả năng hoạt động liên tục của SHG phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản công nợ, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho thuê mặt bằng và sự hỗ trợ nguồn vốn từ cổ đông. Những điều kiện trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của SHG.
Về kết quả kinh doanh, SHG ghi nhận doanh thu thuần năm 2021 đạt 32 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm 2020. Tuy nhiên thu không đủ bù chi khiến công ty lỗ ròng 89 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 56 tỷ của năm trước.