Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel trở thành Tổng giám đốc doanh nghiệp đầu tiên được chỉ định làm Ủy viên Quân ủy Trung ương.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel.
Quân ủy Trung ương vừa tổ chức công bố Quyết định của Bộ Chính trị chỉ định Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 được ký ngày 29/4. Theo quyết định, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng trở thành Tổng giám đốc doanh nghiệp đầu tiên được chỉ định làm Ủy viên Quân ủy Trung ương.
Theo quyết định của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015- 2020 gồm 23 người. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.
Quân ủy Trung ương Việt Nam là cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, là cơ quan nghiên cứu đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; kế hoạch phòng thủ đất nước; phương hướng và biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; cơ chế lãnh đạo của Đảng với Quân đội nhân dân. Trung ương Quân ủy (tên đầu tiên của Quân ủy Trung ương) được Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập tháng 1/1946, để lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt lực lượng vũ trang nhân dân nhằm đối phó với thù trong giặc ngoài, bảo vệ thành quả của cách mạng, ngay sau khi giành được chính quyền.
Trước đó, ngày 26/1/2016, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, với tỷ lệ 74% phiếu bầu, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng đã chính thức trở thành Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962 tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), Thạc sĩ viễn thông ở Australia, Thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông bình chọn là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong một thập kỷ (giai đoạn 2000 - 2009).
Xuất phát điểm rất khó khăn, tổng tài sản của Viettel chỉ có 34 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này, Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam. Không chỉ phát triển thần tốc tại Việt Nam, Viettel đã vươn ra đầu tư thị trường nước ngoài. Hiện Viettel đã đầu tư ở 10 nước thuộc 3 châu lục. Tại các quốc gia như Lào, Campuchia, Mozambique, Haiti… các doanh nghiệp của Viettel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới, thuê bao và doanh thu lớn nhất. Mục tiêu của Viettel sẽ đạt quy mô thị trường 1 tỷ dân vào năm 2020.
Theo khảo sát và các báo cáo của nhà phân tích GSMA Intelligence, Viettel xếp thứ 19 trên tổng số 813 nhà mạng trên thế giới. Với con số này, Viettel đã có chỗ đứng nhất định trong ngành công nghiệp di động thế giới.
Chiến lược lâu dài của Viettel đến năm 2020 là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư quốc tế để trở thành 1 trong 10 công ty đầu tư quốc tế lớn nhất thế giới. Viettel cũng đặt mục tiêu nghiên cứu, sản xuất trang bị quân sự, thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin để đưa Việt Nam trở thành một nước có tên tuổi trong ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao.