Tổng rà soát bổ nhiệm cán bộ

Việt Thắng (thực hiện) 27/09/2017 08:05

Vừa qua từ thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã bày tỏ ý kiến về việc tổng rà soát lại vấn đề bổ nhiệm cán bộ ở các cấp, các ngành, lĩnh vực.

Bình luận về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng phải xử lý trách nhiệm của những người có liên quan trong việc bổ nhiệm cán bộ sai phạm.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

PV:Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố nhiều quyết định liên quan đến công tác cán bộ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng đã đến lúc cần phải tổng rà soát bổ nhiệm cán bộ ở các cấp, ngành, lĩnh vực để chấn chỉnh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Bây giờ xảy ra nhiều vấn đề trong công tác bổ nhiệm cán bộ cho nên phía Quốc hội có ý định tổng rà soát việc bổ nhiệm cán bộ. Hiện Bộ Nội vụ cũng đang đề xuất với Chính phủ làm như vậy. Tôi cho rằng như vậy là cần thiết.

Thời gian qua, rất nhiều vụ việc đã được thanh kiểm tra, có nơi đã xử lý rồi nhưng tôi tin không chỉ những nơi đã phát hiện mà nhiều nơi cũng có những vi phạm tương tự.

Cho nên phải có sự rà soát, kiểm tra lại toàn bộ sẽ đồng bộ hơn. Đó là chủ trương chung, bây giờ yêu cầu các đơn vị tự rà soát, báo cáo và tổ chức các đoàn đi kiểm tra.

Khi kiểm tra thấy vi phạm phải có quyết định giải pháp xử lý. Như tại một số nơi đã yêu cầu phải xử lý, và một số nơi đã rút quyết định bổ nhiệm cán bộ như ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa.

Phải xử lý một cách nghiêm túc nhưng, ngoài việc rút quyết định bổ nhiệm phải xử lý nghiêm minh những nơi bổ nhiệm cán bộ sai phạm. Cứ rút kinh nghiệm mãi là không được. Nhất là xử lý trách nhiệm với những người bổ nhiệm không đúng vì quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm. Khi anh sử dụng quyền mà sai thì anh phải bị xử lý.

Thực tế đã nhiều năm nay chúng ta chưa rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, điều đó có làm cho công tác cán bộ bị méo mó, không chọn được người tài, thưa ông?

- Đã lâu rồi chúng ta chưa tổng rà soát bổ nhiệm cán bộ. Khi vụ việc nào bị phát hiện mới đi thanh tra nhà nước, thanh tra công vụ. Do chưa tổng thể phát hiện để xử lý nên giờ qua rà soát phải triệt để xử lý, những quyết định nào không đúng phải thu hồi, và xử lý những người có trách nhiệm liên quan.

Sau một vài “điểm nóng”, một số nơi khác lại “bùng” ra như vấn đề cấp phó vẫn cứ xảy ra. Điển hình là Sở LĐTBXH ở Hải Dương có 42/44 cán bộ là lãnh đạo. Hiện tại một số tỉnh vẫn tiếp diễn hiện tượng đó chứng tỏ xử lý không triệt để.

Đặc biệt là trách nhiệm của người quyết định, giờ phải gắn với trách nhiệm vì trách nhiệm không được xử lý đến nơi đến chốn.

Ông nghĩ sao khi việc tham nhũng “ghế”, tức là bổ nhiệm cán bộ được xem như còn nguy hại hơn tham nhũng tiền. Vì từ “chiếc ghế” đó mà anh lũng đoạn rồi kiếm tiền, chưa kể bè phái lợi ích nhóm?

- Hiện nhiều chỗ tham nhũng, lợi dụng cả chính sách để tham nhũng, từ công tác cán bộ cho đến đất đai. Phải cương quyết xử lý, nếu không sẽ nguy hại.

Nhất là công tác cán bộ quyết định hết mọi vấn đề. Đội ngũ cán bộ không có chất lượng làm giảm niềm tin, sự phấn đấu của người tài, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Đội ngũ cán bộ kém chất lượng ở các cấp, các ngành vậy sao đất nước phát triển được?

Chưa kể người chất lượng kém lên lãnh đạo lại “biến dạng” một loạt chủ trương chính sách gây hệ lụy lâu dài, nặng nề với đất nước.

Thưa ông, qua việc tổng rà soát ngoài việc xử lý cán bộ còn giúp chúng ta phát hiện ra những bất cập để hoàn thiện, sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm ngăn chặn những kẽ hở, tránh trục lợi?

- Chúng ta hay đổ cho quy trình nhưng nếu thực hiện đúng các quy trình đó đã là tốt lắm rồi. Ai là người thực hiện quy trình? Đó chính là cán bộ chủ chốt. Nếu cán bộ lãnh đạo gương mẫu, không đưa cá nhân, lợi ích nhóm vào thì quy trình đó là tốt.

Bởi bổ nhiệm phải trải qua tất cả quy trình lấy ý kiến từ cơ sở đề xuất lên, đến cấp tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy nể nang hay Bí thư, Chủ tịch đưa người vào.

Nếu họ mà gương mẫu thì không như vậy. Quy trình qua hết các khâu đều có ý kiến nhưng đều có sự “can thiệp” làm cho quy trình và chính sách bị méo mó.

Nếu không phải là con cháu của lãnh đạo thì quy trình làm rất chặt chẽ, và người được đề bạt lên đều có chất lượng. Nhưng khi cán bộ được bổ nhiệm là người thân hay “tác động” của lãnh đạo, quy trình vẫn được thực hiện nhưng bị méo mó, không đảm bảo chính xác ở tính khách quan.

Thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy có khi thấy con, em, hay lãnh đạo “đã có ý kiến rồi” thì cứ nể nang thông qua, “hợp pháp hóa” cho cá nhân làm cho chính sách, chủ trương, quy trình bị méo mó. Từ đó dẫn đến đề bạt cán bộ không đúng.

Nhưng điều quan trọng là qua kiểm tra thấy phát hiện vi phạm thì phải xử lý ngay để lấy lại niềm tin từ người dân, thưa ông?

- Tôi cho rằng phải xử lý người đứng đầu vì người đứng đầu là người quyết định, thậm chí còn bổ nhiệm cả người nhà. Nếu quyết định bổ nhiệm không đúng ngoài việc rút lại quyết định bổ nhiệm, cần phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Thời gian qua việc xử lý người đứng đầu rất ít, chủ yếu là rút kinh nghiệm. Như vừa rồi tại Đà Nẵng, có đồng chí giám đốc sở chỉ trong năm mà bị đảo, luân chuyển tới 3 nhiệm vụ.

Như vậy có dấu hiệu cá nhân, độc đoán nên Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh bị Trung ương xử lý. Việc xử lý phải kiên quyết để làm gương, để sau này muốn “chạy” cũng không được, vì người nào bổ nhiệm cán bộ không đúng cũng bị xử lý. Nghĩa là xử lý trách nhiệm phải tương xứng đi đôi với quyền hạn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng rà soát bổ nhiệm cán bộ