Tổng thống Mỹ Barack Obama trong hôm 10/7 đã nói với người dân toàn nước Mỹ vốn đang bị sốc sau vụ 5 sỹ quan cảnh sát bị bắn hạ ở Dallas rằng, vụ tấn công này chỉ là đơn độc và rằng đất nước có thể vượt qua được chia rẽ sắc tộc. Nhưng cùng lúc đó, sự phẫn nộ trong cộng đồng liên quan tới các vụ cảnh sát bắn chết người da màu ngày càng gia tăng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm tới Dallas để xoa dịu bầu không khí căng thẳng sau vụ xả súng. (Nguồn: Reuters).
Cuối tuần qua, hàng loạt các cuộc biểu tình lớn đã được tổ chức tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ để đòi công lý cho 2 công dân Mỹ gốc Phi bị bắn chết bởi cảnh sát. Hai vụ việc xảy ra liên tiếp trong hai ngày này được cho là nguyên nhân gây nên vụ thảm sát có động cơ trả thù cảnh sát xảy ra ở Dallas hồi tuần trước.
Khung cảnh ban đêm vốn yên bình của Dallas, bang Texas bỗng chốc đã trở thành một cơn ác mộng khi một số tay súng tập kích bắn hạ 5 sỹ quan cảnh sát đang đi cùng đoàn người biểu tình để đảm bảo an ninh. Đây có thể là một chương đen tối trong lịch sử nước Mỹ liên quan tới vấn đề chia rẽ sắc tộc.
Nhưng trong bài phát biểu tưởng nhớ các sỹ quan cảnh sát bị sát hại hồi cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng: “Tôi tin chắc rằng nước Mỹ không chia rẽ đến mức như nhiều người nghĩ. Có những nỗi đau khổ, có sự tức giận, có sự hoảng loạn… nhưng vẫn tồn tại sự đoàn kết”.
Tổng thống Obama đã mô tả tay súng 25 tuổi, Micah Johnson, là “một cá nhân quẫn trí” và không thể đại diện cho toàn cộng đồng Mỹ gốc Phi được.
Giới chức thành phố Dallas cũng khẳng định rằng, vụ thảm sát vừa qua chỉ là hành động đơn độc, và kẻ này đã bị tiêu diệt sau đó, chứ không có bàn tay của tổ chức này như họ từng lo ngại.
Thông điệp đoàn kết
Nhưng cùng thời điểm đó, nhiều người dân Mỹ cũng đổ xuống đường để tham gia các cuộc tuần hành do phong trào Black Lives Matter (BLM) tổ chức để yêu cầu chấm dứt các vụ bạo lực do cảnh sát Mỹ gây nên - chủ yếu là nhằm vào người da màu ở nước này.
Phần lớn trong số hàng nghìn người tham gia các cuộc tuần hành ở nhiều thành phố lớn của Mỹ cuối tuần qua đều không quá khích. Nhưng riêng ở Phoenix, bang Arizona, cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình ném gạch đá. Và ở Rochester, New York, 74 người đã bị bắt giữ trong một cuộc biểu tình xuyên đêm.
Trong khi đó, từ Atlanta cho tới Houston, New Orleans, Detroit và Baltimore, các cuộc tuần hành phản đối hai vụ cảnh sát bắn chết người da màu - Alton Sterling ở Louisiana và Philando Castile ở Minnesota - đều diễn ra mà không có tình trạng hỗn loạn. Nhiều thành phố ở các bang khác cũng dự kiến tổ chức các cuộc tuần hành, gồm Seattle, Indianapolis và Philadelphia… trong một sự kiện mà các nhà tổ chức gọi là “Cuối tuần phẫn nộ”.
Tổng thống Obama dự kiến sẽ tới thăm Dallas trong tuần này nhằm nỗ lực xoa dịu căng thẳng, trong khi giới chính trị gia nước này cũng đang tìm cách xoa dịu người dân sau một tuần lễ bạo lực nêu bật các thách thức về chia rẽ sắc tộc ở nước Mỹ.
“Những người Mỹ da trắng cần phải lắng nghe khi người dân Mỹ gốc Phi nói về các rào cản mà họ gặp phải” - Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton chia sẻ trên tài khoản Twitter.
Thông điệp này cũng được nhiều thành viên cấp cao của phía đảng Cộng hòa truyền đi nhanh chóng.
Khi cảnh sát trở thành mục tiêu
Vụ tấn công kiểu phục kích ở Dallas đánh dấu sự kiện mất mát nhất đối với lực lượng hành pháp Mỹ kể từ sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, đó không phải vụ tấn công duy nhất nhằm vào lực lượng cảnh sát Mỹ trong tuần vừa qua.
Ở Bristol, bang Tennesse hôm thứ Năm tuần trước, một người đàn ông đã xả súng vào một khách sạn khiến 1 phụ nữ thiệt mạng và làm nhiều người khác bị thương, trong đó có một sỹ quan cảnh sát. Cơ quan Điều tra Tennessee cho hay tay súng này “có thể đã nhằm vào các mục tiêu đơn lẻ và sỹ quan cảnh sát sau khi cảm thấy tức giận về các vụ việc liên quan tới lực lượng cảnh sát và người Mỹ gốc Phi”.
Và ở Racine, bang Wisconson, cảnh sát cho hay một người đàn ông 43 tuổi đã bị bắt giữ sau khi đăng tải một đoạn chia sẻ mang nội dung đe dọa trên mạng xã hội, nói rằng: “Tôi khuyến khích mọi người dân da đen ở Mỹ vùng dậy…”.
Tay súng bị tiêu diệt ở Dallas vừa qua được phía cảnh sát xác nhận là Micah Johnson và là “kẻ đơn độc”. Kẻ này từng nằm trong lực lượng lính dự bị của quân đội Mỹ trong 6 năm, trong đó từng đến làm nhiệm vụ ở Afghanistan. Dù vậy, phía Nhà Trắng không loại trừ khả năng kẻ này có liên hệ với các tổ chức khủng bố. Cảnh sát cũng tìm thấy nhiều thiết bị chế bom và vũ khí tại nhà của kẻ này.