Tổng thống Bolivia, Juan Evo Morales Aima: Tả khuynh độ thế

Cao Trung Nguyên 09/12/2015 11:35

Theo kết quả thăm dò xã hội do tổ chức Equipos Consultores (Uruguay) tiến hành mùa hè năm nay, đứng đầu danh sách các vị nguyên thủ quốc gia được ưa chuộng nhất châu Mỹ La tinh là Tổng thống Bolivia, Juan Evo Marales Aima. 75% số người được hỏi ý kiến đã bình chọn ông. Cần phải nói thêm rằng, ông Morales là đại diện đầu tiên của những người thổ dân ở Bolivia trở thành nguyên thủ quốc gia kể từ thời vùng đất này bị người Tây Ban Nha biến thành thuộc địa ngót nghét bốn trăm năm trước.

Một điều đáng chú ý là những vị trí đầu tiên trong danh sách này đều thuộc về các vị nguyên thủ quốc gia cánh tả. Đứng thứ hai sau Tổng thống Bolivia là Tổng thống Ecuador, Rafael Correa (61%). Tiếp theo là Tổng thống Uruguay, Tabare Vazquez (48%) và nữ Tổng thống Argentina, Cristina Fernandez de Kirchner (40%)…

Evo Morales sinh ngày 26-10-1959 tại làng Isallavi ở tỉnh Oruro, cách thủ đô 400 km, trong một gia đình nông dân nghèo người da đỏ thuộc bộ tộc Aimara. Những năm tháng tuổi thơ và tuổi trẻ, vị Tổng thống tương lai đã phải làm đủ thứ việc chân tay vì sinh kế, từ chăn súc vật, phụ lò nung gạch đến thợ làm bánh… “Trong nhà chúng tôi của nả duy nhất quý là bao tải ngô. Mẹ tôi đã dùng thứ ngô đó để nấu cho chúng tôi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Chỉ vào những ngày lễ mẹ mới cho chúng tôi ăn một chút thịt khô” - Morales về sau nhớ lại. Cha mẹ vị Tổng thống tương lai không quá quan tâm tới việc chăm bẵm các con. Trong các gia đình người thổ dân da đỏ, cách dạy dỗ con cái tốt nhất không phải bằng những lời giáo huấn mà bằng chính tấm gương thực tế của cha mẹ. Người da đỏ theo truyền thống rất tôn vinh những nguyên tắc đạo đức như “không trộm cắp”, “không dối trá”, “không bao giờ để lộ sự yếu đuối của mình”… Mặc dù đã phải chịu nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng ông Morales vẫn cho rằng, tuổi thơ là những tháng năm tuyệt vời nhất trong đời ông: “Khi còn nhỏ, tôi được ngủ giữa trời, dưới vô vàng những vì sao. Còn giờ, khi đã trở thành Tổng thống, tôi chỉ còn được ngủ trong khách sạn có độc năm sao thôi!”…

Năm 1980, cả gia đình Morales rời khỏi quê hương tới khu trang trại San Francisco ở vùng Chapare để trồng cây coca. Chỉ sau vài năm vị Tổng thống tương lai đã gây dựng được sự tín nhiệm cao trong những người đồng nghiệp cocaleros (cùng trồng cây coca) và tới năm 1985 được bầu làm lãnh đạo tổ chức công đoàn của họ. Năm 1988, ông Morales được bầu làm Thư ký điều hành Hiệp hội nhiệt đới các tổ chức công đoàn (Federacion del Tropico). Năm 1991, ông Morales cùng với những chức vụ đã giữ còn được nhận thêm vị trí Chủ tịch Ủy ban Phối hợp 6 tổ chức công đoàn của tỉnh Kochabamba. Cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước, vị Tổng thống tương lai đã tích cực tham gia vào nhiều hoạt động phản đối quyết định đốn bỏ cây coca được Washington hậu thuẫn vì cho đó là nguồn nguyên liệu để chế biến cocain. Nhờ đó nên năm 1995, ông Morales được mời tới Viena dự kỳ họp thứ 38 của Uỷ ban về ma túy của LHQ và đọc một bài diễn văn bảo vệ loại cây nông nghiệp truyền thống này của châu Mỹ la tinh. Cũng trong năm 1995, ông Morales cùng các đồng chí trong phong trào đấu tranh bảo về quyền lợi của những người trồng cây coca của mình đã lập ra chính đảng toàn quốc đầu tiên của thổ dân và người di cư Hội đồng Dân quyền (Asamblea por la Soberanía de los Pueblos, ASP) và phong trào “Công cụ chính trị của chính quyền bình dân” (Instrumento Político por la Soberanía de los Pueblos, IPSP), nhưng các tổ chức của họ đã bị chính quyền lúc đó khước từ không cho đăng ký. Để tham gia vào các cuộc bầu cử địa phương (năm 1995) và quốc hội (1997) IPSP đã bắt tay với liên minh các đảng cánh tả (Izquierda Unida, IU) và ngày 1-6-1997, ông Morales đã được bầu vào hạ nghị sĩ. Năm 1999, lãnh đạo IPSP đã thỏa thuận với nhau về việc sử dụng tên gọi đã được đăng ký của một chính đảng tả khuynh và từ đó, lực lượng do ông Morales lãnh đạo bắt đầu có tên là Phong trào hướng tới chủ nghĩa xã hội (Movimiento al Socialismo, MAS).

Trong những năm 2000-2002 phần lớn tỉnh Cochabamba đã chìm trong các cuộc biểu tình của nông dân đòi chính quyền phải tiến hành cải cách hiến pháp để mở rộng thêm quyền cho thổ dân. Thêm vào đó cư dân ở thành phố Cochabamba cũng nôổ dậy để chóng lại việc công ty Mỹ Bechtel tư hữu hóa một phần tài sản công cộng và hệ lụy của chuyện này là việc tăng giá các dịch vụ cung cấp nước. Vì tích cực tham gia vào các hoạt động trên và vì những lời kêu gọi bất tuân chính quyền nên ngày 24 -1- 2002, ông Morales đã bị tước quyền hạ nghị sĩ và chỉ được trở lại quốc hội sau khi vụ việc của ông đã được xem xét tại toà án Hiến pháp.

Năm 2002, ông Morales lần đầu tiên đã ra tranh cử Tổng thống. Ngày 30-6, thu được 20,9% số phiếu, ông về đích thứ hai và lọt được vào vòng hai. Theo luật pháp Bolivia, chỉ có các nghị sĩ Quốc hội mới có quyền bỏ phiếu để lựa chọn Tổng thống giữa hai chính trị gia đã lọt vào vòng hai và thế là, ngày 5 -8-2002, chiến thắng đã lọt vào tay đối thủ của ông Morales là ông Gonzalo Sanchez de Lozada, người được đa số các nghị sĩ ủng hộ.

Thất bại đó đã không làm ông Morales nản chí, mặc dù ông quá biết rằng, rất không dễ dàng trở thành hiện thực giấc mơ trở thành Tổng thống một quốc gia mà từ thời là thuộc địa Tây Ban Nha tới đầu thế kỷ XXI, chưa từng có người thổ dân da đỏ nào được ngồi vào vị trí trí nguyên thủ. Ông Morales đã làm dấy lên liên tục những hoạt động thiên tả chống chính phủ, thậm chí cả những đụng độ vũ trang giữa những người biểu tình với binh lính chính quy. Mọi sự căng thẳng đến mức ngày 17 - 10 - 2003, Tổng thống Sanchez de Lozada đã phải chạy trốn ra nước ngoài và tháng 6-2005, người kế nhiệm ông ta là ông Carlos Mesa đã buộc phải từ bỏ chức vụ.

Ngày 2 - 8 -2005, ông Morales được cánh tả đưa ra là ứng cử viên Tổng thống Bolivia. Trong chương trình vận động tranh cử của mình, ông hứa sẽ tiến hành những cải cách cơ chế, thậm chí cả cải cách Hiến pháp, đưa ngành công nghiệp dầu khí vào dưới quyền kiểm soát của nhà nước và thông qua đạo luật cho phép canh tác cây coca. Đấy cũng là những điều mà không ít dân thường ở Bolivia mơ ước nên không có gì lạ là ông Morales đã đắc cử Tổng thống ngày 18-12-2005 ngay từ vòng một bầu cử, tất nhiên chỉ với số phiếu quá bán một chút (53,7%). Tại một quốc gia như Bolivia, một chính trị gia tả khuynh không thể ngay lập tức thu hút được quá đông những người ủng hộ. Thêm vào đó, theo truyền thống, quân đội và cảnh sát Bolivia thường do những nhân vật xuất thân từ các dòng họ giàu có nắm giữ… Bản thân ông Morales về sau đã thổ lộ với các nhà báo: “Cho tới bây giờ tôi vẫn cảm thấy khó tin vào việc tôi mà lại trở thành Tổng thống Bolivia”. Tuy vậy, chiến thắng của ông Morales ấn tượng đến mức giới thượng lưu ở đây không còn tâm trí nào để tranh luận về kết quả bầu cử và cũng không dám làm gì để cản trở con người sẵn sàng tiến hành những cải cách quyết liệt nhất tiến tới quyền lực.

Những sự kiện chính trong nhiệm kỳ làm Tổng thống của ông Morales là việc quốc hữu hóa ngày khai thác than, bắt đầu từ ngày 1-5-2006 và được hoàn tất sau đó một năm; trưng dụng các điền trang lớn để chuyển cho các cộng đồng da đỏ canh tác; triệu tập Quốc hội để thông qua Hiến pháp mới... Quốc hội đã được khai mạc từ ngày 6-8-2006 ở Sucre, thủ đô chính thức của Bolivia, nhưng do những bất đồng căn bản về chương trình nghị sự và, từ mùa thu năm 2007, vì những mất trật tự ngoài đường phố nên suốt cả một năm rưỡi, các nghị sĩ vẫn không thể nào bắt tay được vào việc thảo luận Hiến pháp mới. Vì thế nên Phong trào hướng tới chủ nghĩa xã hội (MAS) thân chính phủ trong hai cuộc họp (ngày 24-11 và 8-12-2007) khẩn cấp và không có phe đối lập đã thông qua văn bản do Tổng thống đệ trình mà không xem xét chi tiết.

Các cải cách của ông Morales đã góp phần cải thiện cuộc sống của những tầng lớp bần cùng trong xã hội Bolivia nhưng cũng làm dấy lên những phản đối của cư dân ở những tỉnh phát triển nhất. Và chình vì thế nên trong giai đoạn 2006-2008 ở các địa phương đó đã diễn ra không ít các vụ rối loạn, có lúc rất nóng bỏng. Tuy nhiên, ông Morales vẫn làm chủ được tình hình và trong các cuộc trưng cầu dân ý, vẫn duy trì được chỉ số tín nhiệm cao của nhân dân. Tháng 1-2009, Hiến pháp mới được đa số dân chúng ở Bolivia ủng hộ thông qua trưng cầu dân ý và ông Morales sẽ được thêm quyền tái cử một nhiệm kỳ nữa. Tháng 12-2009, ông đã giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Bolivia với 63% số phiếu ủng hộ.

Tổng thống Morales luôn nhất quán quan điểm trong cách nhìn về là lá coca và cho rằng, loài lá này có thể là chất kích thích nhưng hoàn toàn vô hại. Trong Hiến pháp Bolivia, được thông qua vào tháng 2-2009, cây coca được coi là một thực vật mang tính gia bảo của quốc gia. Bolivia hiện nay đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng lá coca, thứ lá vẫn được những kẻ tội phạm sử dụng để chế biến thành nguyên liệu làm các loại ma tuý. Đứng trên Boliva về sản lượng lá coca là Columbia (150 nghìn ha) và Peru (97 nghìn ha)…

Theo lời ông Morales, việc trồng cây coca đã có lịch sử cả nghìn năm nay và gắn bó chặt chẽ với truyền thống của nhân dân Bolivia. Bởi thế, việc nghiêm trị những người trồng cây coca là một hành vi khiêu khích đối với tính độc đáo và văn hóa của nhân dân Bolivia. Ông Morales đã không chỉ một lần nhấn mạnh rằng, lá coca trước hết vẫn được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền ở Bolivia như một thang thuốc bổ và phụ gia có lợi cho sức khoẻ trong văn hóa ẩm thực cũng như trong các nghi lễ tín ngưỡng, chứ không phải như một nguyên liệu để chế biến ma tuý. Đồng thời, ông cũng có những hành động quyết liệt để đấu tranh với những băng nhóm chế biến ma tuý từ lá coca. Tổng thống Morales đã ký với không chỉ một quốc gia các thỏa thuận cùng nhau chống lại những kẻ buôn bán ma tuý…

Trên chính trường quốc tế, Tổng thống Morales được đánh giá như một nhà lãnh đạo quốc gia nhất quán chống lại sự bá quyền của Washington và vì thế, rất gần gụi với cố Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez… Trong những năm 1995, 1996 và 2007, ông được đề cử vào giải Nobel hòa bình. Năm 2008, ông Morales có tên trong danh sách 100 nhân vật quyền lực nhất thế giới theo phương án bình chọn của tạp chí Mỹ Time. Ông chưa từng lấy vợ, không có con. Về trang phục, đương kim Tổng thống Bolivia thích phong cách dân dã, thoải mái. Ông mê thổi kèn và đá bóng. Ông Morales không thích khi người ta gọi ông là “Ngài Tổng thống”. Ông cho rằng, hay nhất nên gọi ông là “Đồng chí Evo”. Theo ông, “đồng chí” - đó là một khái niệm vĩnh cửu.

Ông Morales không thích khi người ta gọi ông là “Ngài Tổng thống”. Ông cho rằng, hay nhất nên gọi ông là “Đồng chí Evo”. Theo ông, “đồng chí” - đó là một khái niệm vĩnh cửu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng thống Bolivia, Juan Evo Morales Aima: Tả khuynh độ thế