Brazil trong hôm 20/3 đã cố gắng trấn an các đối tác trên thế giới rằng ngành công nghiệp chế biến thịt của họ không gây ra mối đe dọa nào, khi Tổng thống nước này mời Đại sứ các nước tham dự một bữa tối có món chính là thịt - bất chấp vụ bê bối thịt bẩn lớn nhất trong lịch sử nước này mới bị phanh phui.
Các sản phẩm thịt chế biến trong một siêu thị tại Brazil. (Nguồn: CNA).
Tổng thống Brazil Michael Temer trước đó đã mời các nhà ngoại giao tới một nhà hàng thịt truyền thống của Brazil (Churrascaria), nói rằng: “Nếu các bạn chấp nhận lời mời, chúng tôi sẽ rất vui”. Có khoảng 19 trên tổng số 33 nhà ngoại giao được mời đã tới tham dự bữa tiệc này.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu trong nhiệm vụ đầy khó khăn của ông Temer trong việc trấn an dư luận trước vụ bê bối thịt bẩn có thể làm tổn hại nghiêm trọng danh tiếng của quốc gia xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm lớn nhất thế giới này.
Vụ việc bắt đầu từ hôm thứ Sáu tuần trước khi cảnh sát Brazil thông báo về kết quả một vụ điều tra kéo dài 2 năm của họ, trong đó phát hiện một nhà sản xuất thịt lớn ở nước này đã hối lộ một số quan chức thanh tra để chứng nhận cho thịt bẩn của họ được tiếp cận thị trường.
Có ít nhất 30 người đã bị bắt giữ, trong đó cảnh sát thâm nhập hàng chục nhà máy chế biến và phát đi 27 lệnh truy nã. Một nhà máy chế biến thịt gia cầm vận hành bởi tập đoàn đa quốc gia BRF và 2 nhà máy chế biến thịt được vận hành bởi công ty Peccin đã bị đóng cửa, Bộ Nông nghiệp Brazil cho hay.
Được biết, sản phẩm thịt của Brazil được xuất khẩu tới hơn 150 quốc gia, trong đó bao gồm các thị trường chính là Arab Saudi, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Nga, Hà Lan và Italy. Lợi nhuận từ xuất khẩu thịt gia cầm chế biến của Brazil trong năm 2016 đạt 5,9 tỷ USD và xuất khẩu thịt bò đạt 4,3 tỷ USD, theo dữ liệu của chính phủ Brazil.
Trong bài phát biểu trước đại sứ các nước, Tổng thống Temer cho hay vụ bê bối đã làm dấy lên “quan ngại lớn”, tuy nhiên ông khẳng định rằng thịt bẩn và giấy phép giả chỉ diễn ra trong “một số rất ít các doanh nghiệp” và không đại diện cho toàn bộ ngành công nghiệp thịt chế biến ở nước này.
Tự gọi hệ hống kiểm nghiệm của Brazil là “một trong số những hệ thống nghiêm ngặt nhất” trên thế giới, Tổng thống Temer nói rằng: “Tôi muốn khẳng định lại về lòng tin của chúng tôi vào chất lượng các sản phẩm của chúng tôi”.
Trước đó, ông Luis Pacifici Rangel, Thư ký của Hiệp hội bảo vệ nông sản, nói trước báo giới rằng vụ bê bối này “không hề gây ra rủi ro đối với cộng đồng, hay các mặt hàng xuất khẩu”.
Tập đoàn chế biến thịt BRF cũng đưa ra lời phản pháo trong vụ việc, nhằm chống lại các cáo buộc cho rằng họ trộn bột giấy bìa vào các sản phẩm thịt gà.
“Không có bất cứ loại giấy bìa trong sản phẩn của BRF. Có sự hiểu lầm tai hại trong các đoạn băng ghi âm của phía cảnh sát” - BRF khẳng định trong một tuyên bố.
Hiện nay vẫn chưa có bất kỳ trường hợp người sử dụng thịt nhập khẩu từ Brazil có biểu hiện về mặt sức khỏe được ghi nhận. Tuy nhiên, Brazil đang lo ngại rằng vụ bê bối này sẽ gây tổn hại không nhỏ tới các nỗ lực đàm phán một thỏa thuận thương mại giữa tập đoàn Mercosur của Nam Mỹ với Liên minh châu Âu (EU).
“Vụ bê bối thực sự khiến cho quá trình đàm phán thêm phần phức tạp” - Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính thuộc Bộ Ngoại giao Brazil, ông Carlos Marcio Cozendey, thừa nhận, đồng thời kêu gọi cộng đồng đưa ra phản ứng khách quan đối với vụ bê bối này.
Đại sứ EU tại Brazil, Joao Cravinho, hôm cuối tuần qua đã đăng tải trên Twitter các nhân rằng ông mong muốn Bộ Nông nghiệp Brazil phải nhanh chóng làm rõ sự việc và đưa ra báo cáo đầy đủ về vụ bê bối này.
Chính quyền Brazil hiện vẫn chưa công bố chi tiết về nơi mà họ phát hiện ra các sản phẩm thịt thối rữa, mà chỉ nói rằng trong một số trường hợp, các độc chất gây ung thư đã được sử dụng nhằm che đậy mùi thịt hỏng. Ngoài tập đoàn lớn như BRF, bên sở hữu các nhãn hiệu nổi tiếng như Sadia và Perdigao, các công ty khác đang bị điều tra gồm JBS, công ty xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới sở hữu các nhãn hàng nổi tiếng như Big Frango, Seara Alimentos và Swift.
Trong hôm 20-3, TTXVN dẫn Thương vụ Việt Nam tại Brazil đã cung cấp thông tin liên quan đến các sản phẩm thịt bò không an toàn tại Brazil đồng thời khuyến nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập khẩu để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, Ngoại thương Brazil, trong hai tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam.