Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hôm 27/1 đã tuyên bố rằng kế hoạch cắt giảm thuế và gỡ bỏ bớt các quy định đối với doanh nghiệp trong nước là động thái giúp nước Mỹ thêm phần cởi mở đối với các công ty nước ngoài để họ đầu tư và xây dựng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Davos, Thụy Sỹ hôm 27/1.
"Chúng tôi đang trở nên cạnh tranh một lần nữa"- ông Trump phát biểu trong một hội nghị có sự tham dự của giới lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà tài chính và học giả quốc tế.
Dù nhiều người đang nghi ngại về quan điểm ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng ông đã giúp cho nước Mỹ trở thành môi trường cởi mở hơn đối với giới doanh nghiệp.
Tháng trước, ông Trump đã ký kết một gói cắt giảm thuế trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%. Quốc hội Mỹ cũng đã phê chuẩn một số bộ luật nhằm gỡ bỏ ít nhất 15 quy định mà chính quyền Baraack Obama từng áp đặt đối với doanh nghiệp. Các động thái này có thể khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đến nước mỹ hoặc mở rộng các hoạt động kinh doanh sẵn có của họ ở Mỹ.
Nicholas Veron- học giả thuộc Viện nghiên cứu Brussels (Bỉ), nhận định rằng "kế hoạch cắt giảm thuế này sẽ giúp nước Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư".
Giới lãnh đạo doanh nghiệp tham đến với Davos, Thụy Sỹ để tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đều nhìn nhận tích cực về môi trường kinh doanh ở nước Mỹ mà Tổng thống Trump đang xây dựng. "Sau khi Mỹ thành công với cải cách thuế, chúng tôi đã quyết định phát triển hệ thống turbine khí thế hệ tiếp theo ở nước này"- Joe Kaeser, giám đốc điều hành của công ty Đức Siemens, cho hay. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác cho rằng các tín hiệu mới cho thấy đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ có khả năng tăng tốc trong năm nay, một phần chính là nhờ kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế tiêu dùng mà ông Trump đưa ra.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi ông Trump cải cách thuế thì nền kinh tế của nước Mỹ vốn đã đang trên đà tăng trưởng trong những năm gần đây. Nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào các nhà máy cùng nhiều cơ sở khác và hoạt động mua lại các doanh nghiệp ở Mỹ đã đạt tới 477 tỷ USD trong năm 2015, mức cao kỷ lục, trước khi giảm dần đến Quý 3 của năm 2017; theo Tổ chức Đầu tư Quốc tế (OFII).
Hiện tại OFII đang đại diện cho các công ty nước ngoài có chi nhánh ở Mỹ, ví dụ như Samsung, Bosch, Nestle và Toyota. "Nước Mỹ từ trước đến nay vẫn luôn cởi mở với doanh nghiệp"- bà Susan Aaronson, giáo sư chuyên ngành quốc tế thuộc ĐH George Washington, nhận định.
Nền kinh tế Mỹ từng nhận được khoảng 37% tổng nguồn vốn đầu tư toàn cầu trong năm 2000, nhưng con số này đã giảm xuống còn 15% trong năm 2008; theo thống kê của OFII. Mức giảm này phản ánh rõ tầm ảnh hưởng của cuộc đại suy thoái và việc Trung Quốc gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - sự kiện giúp nước này trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn.
Con số đó lấy lại được sức bật trong năm 2016, khi gia tăng lên 24%. Điều này cho thấy chính quyền Mỹ đã nhận ra tầm quan trọng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài.