Bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky và được phía Nga đánh giá là hiệu quả.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc trao đổi nhanh tại Paris. (Nguồn: CNBC).
Rạng sáng 10/12 theo giờ Hà Nội, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp song phương đầu tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy đang diễn ra tại Paris, Pháp.
Theo hãng tin TASS của Nga, cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine với sự tham gia của phái đoàn hai nước diễn ra tại Điện Elysee và kéo dài khoảng một tiếng. Sau đó, Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky có cuộc gặp “1-1” trong khoảng 5-10 phút.
Trả lời báo giới sau đó, Tổng thống Nga Putin cho biết ông hài lòng với kết quả các cuộc gặp, đồng thời đánh giá cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine diễn ra “tốt đẹp và hiệu quả.” Hiện chưa có thông báo chính thức về nội dung và kết quả cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine.
Trước đó, ông Putin và ông Zelensky cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc họp kéo dài 2 tiếng 20 phút trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ Normandy.
Hội nghị sau đó được tiếp tục dưới hình thức “ăn tối làm việc” sau cuộc hội đàm giữa hai phái đoàn Nga và Ukraine. Dự kiến, sau khi kết thúc hội nghị, nhóm Bộ tứ Normandy sẽ ra tuyên bố chung.
Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy diễn ra tại Paris là cuộc gặp đầu tiên trong vòng 3 năm qua giữa các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức và Pháp nhằm tìm cách thực thi các thỏa thuận ký năm 2015 tại Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, bao gồm việc rút quân khỏi khu vực giới tuyền và tiến hành trao đổi tù binh. Ngay trước thềm hội nghị, tờ Thương gia (Nga) dẫn một nguồn tin cho biết nước này không có ý định xem lại các thỏa thuận Minsk.
Theo nguồn tin, Moskva không muốn bằng cách nào đó tích hợp hoặc chỉnh sửa các thỏa thuận đã đạt được. Nga hy vọng Pháp và Đức cũng sẽ yêu cầu không thay thế các thỏa thuận này.
Cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này đã nổ ra từ năm 2014. Theo các số liệu thống kê của Liên hợp quốc, cuộc xung đột kéo dài 5 năm này đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người.