Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong hôm đầu tuần đã bắt đầu một chuyến công du quan trọng tới khu vực Vùng Vịnh với mục tiêu giải quyết bất đồng giữa Qatar với các nước láng giềng, tuyên bố rằng không ai có lợi ích từ việc kéo dài cuộc khủng hoảng này.
Tổng thống Erdogan gặp gỡ với Quốc vương Salman của Arab Saudi hồi cuối tuần trước. (Nguồn: AP).
Tổng thống Erdogan, người có chính quyền đã giữ vững lập trường ủng hộ Qatar kể từ khi khủng hoảng bắt đầu tới nay, trước đó đã có cuộc đối thoại ở Jeddah (Arab Saudi) với Quốc vương Salman, người từng ngợi ca “các nỗ lực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố” của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, hãng thông tấn Spa của Arab Saudi cho hay.
Ông cũng có cuộc gặp với Hoàng Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman trước khi rời khỏi đây để đến Kuwait trong chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du. Ông Erdogan đã được tiếp đón bởi Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad Al-Sabah, người đang đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng.
Ngày 5/7, Arab Saudi, Bahrain, UAE và Ai Cập đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này hậu thuẫn chủ nghĩa cực đoan và củng cố quan hệ với địch thủ của họ là Iran. Chính quyền Doha đã cực lực bác bỏ cáo buộc trên, và từ đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền Ankara.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tới Qatar trong hôm 24-7 trong cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên với Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani kể từ khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh bắt đầu.
“Không có ai hưởng bất kỳ lợi ích gì từ việc kéo dài cuộc khủng hoảng này” - Tổng thống Erdogan nói trước khi rời khỏi Istanbul, đồng thời cáo buộc “những kẻ thù địch” đang tìm cách “gia tăng căng thẳng giữa những người anh em” trong khu vực.
Ông Erdogan cũng hoan nghênh thái độ của Qatar trong cuộc khủng hoảng này, nói rằng Doha đã luôn tìm cách đưa ra một giải pháp thông qua đối thoại. “Tôi hy vọng chuyến thăm lần này sẽ mang lại lợi ích cho khu vực”, ông Erdogan nói.
Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đã đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào một vị trí quan trọng, khi Tổng thống Erdogan liên tục nói rằng ông muốn chứng kiến sự kết thúc của cuộc tranh chấp này càng sớm càng tốt.
Trong những năm gần đây, Qatar đã trỗi dậy trở thành đồng minh số một của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Trung Đông, khi mà Ankara và Doha thường xuyên hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều vấn đề, bao gồm xung đột Syria nơi mà cả hai bên đều coi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad là thù địch.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đang thiết lập một căn cứ quân sự ở Qatar, căn cứ duy nhất của họ ở khu vực này. Chính quyền Ankara đã xúc tiến nhanh việc xây dựng căn cứ này kể từ khi khủng hoảng bắt đầu và nay hiện có 150 binh sỹ tại đó.
“Ngay từ thời khắc đầu tiên của khủng hoảng Qatar, chúng tôi đã luôn đứng về phía hòa bình, sự ổn định, đoàn kết và đối thoại” - Tổng thống Erdogan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, nước hiện đang trải qua một thời kỳ đầy bất ổn trong mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, cũng không muốn làm tổn hại tới mối quan hệ của họ đối với thế lực lớn nhất trong khu vực - Arab Saudi.
“Là một bên có tiếng nói trong khu vực vùng Vịnh, Arab Saudi luôn đóng vai trò lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này” - Tổng thống Erdogan nói, trong lúc tránh chỉ trích công khai quốc gia này.
Ông Erdogan nói rằng ông ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải của Quốc vương Kuwait, một tín hiệu cho thấy Ankara đang xem Kuwait như một nước quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng tại khu vực.
Hồi tuần trước, Quốc vương Qatar nói rằng ông sẵn sàng đàm phán để giải quyết bất đồng với các nước láng giềng, miễn là chủ quyền của họ phải được tôn trọng. Nhưng lời kêu gọi của ông lại nhận phải phản ứng lạnh nhạt từ Ngoại trưởng UAE, Anwar Gargash.
“Đối thoại là việc cần thiết, nhưng nó cần phải dựa trên sự xem xét lại” về quan điểm của Qatar, ông Gargash viết trên tài khoản Twitter.
Tổng thống Erdogan đã nhận được sự chào đón nồng hậu ở Doha, nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tiếp gửi hàng viện trợ thực phẩm, hoa quả, sản phẩm bơ sữa bằng cả đường biển và đường không để giúp nước này chống chịu lệnh cấm vận của những người hàng xóm. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi không ít, khi lượng hàng xuất khẩu của họ tới Qatar tăng gấp đôi trong tháng trước, đạt tổng giá trị 50 triệu USD.
Chuyến công du của ông Erdogan trùng thời điểm một chuyến công du của Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Federica Mogherini. Tại Kuwait hồi cuối tuần trước, bà Mogherini đã hoan nghênh nỗ lực không mệt mỏi của nước này trong việc giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.