Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/5 đã tuyên bố sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine trong lúc đón tiếp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Nhà Trắng, dù chưa đưa ra chi tiết về kế hoạch vực dậy các vòng đàm phán đã bị chững lại từ lâu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đón tiếp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Nhà Trắng. (Nguồn: NBC).
Trong cuộc họp đầu tiên, Tổng thống Trump đã thúc giục ông Abbas có thêm hành động để ngừng tình trạng bạo lực nhằm vào Israel và, theo Nhà Trắng, thúc giục ông ngừng cung cấp các khoản tiền cho các gia đình tù binh Palestine đang bị giam trong các nhà tù của Israel - điều mà Israel đã đề nghị từ lâu.
Sau khi chào đón ông Abbas tại Nhà Trắng để tham dự cuộc họp nhằm thảo luận về việc tái khởi động các vòng đàm phán hòa bình vốn đã nhiều lần thất bại, ông Trump nói: “Tôi luôn nghe được rằng thỏa thuận khó nhất chính là thỏa thuận giữa Israel và Palestine. Để xem chúng ta có thể chứng minh là họ sai hay không”.
Ông Trump khẳng định: “Chúng ta sẽ giải quyết nó”.
Về phần mình, Tổng thống Abbas nói rằng: “Chúng tôi tin rằng chúng ta có thể trở thành những đối tác thực sự nhằm mang tới một thỏa thuận hòa bình lịch sử”.
Gần 2 tháng rưỡi sau khi đón tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ đã đón tiếp ông Abbas tại Nhà Trắng, trước khi đi vào Phòng Bầu dục để tham gia cuộc thảo luận. Nỗ lực mang tới hòa bình - vốn đã đi qua nhiều đời Tổng thống Mỹ kể từ những năm 1970 - đã có một khởi đầu đầy khó khăn trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Tổng thống Trump từng tuyên bố không ủng hộ một nhà nước Palestine và di dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, phá vỡ 2 nguyên lý trong chính sách mà Mỹ đã duy trì trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Mike Pence, Phó Tổng thống Mỹ, trong hôm 3/5 cho hay ông Trump vẫn “đang cân nhắc về việc di dời Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv tới Jerusalem”. Động thái này có khả năng sẽ khiến người Palestine tức giận và bị nhiều chính trị gia ở cả Israel và Mỹ coi là hành động gây căng thẳng không cần thiết.
Cùng lúc, ông Trump đã thúc giục Israel ngừng xây dựng khu tái định cư ở khu vực Bờ Tây, một vấn đề gây quan ngại đối với người Palestine và cả thế giới.
Tổng thống Abbas, 82 tuổi, có chuyến công du tới nước Mỹ trong lúc mà sự nghiệp chính trị của ông đang đi xuống, khi các lá phiếu thăm dò mới đây cho thấy phần lớn người dân Palestine muốn ông từ chức. Nhiệm kỳ của ông Abbas đáng lẽ ra kết thúc từ năm 2009, nhưng ông vẫn tại vị mà không có cuộc bầu cử nào được tổ chức.
Đến Washington, ông Abbas hy vọng rằng Tổng thống Trump có thể gây sức ép cho Israel để nước này chấp nhận một giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết một trong những cuộc xung đột kéo dài nhất trên thế giới.
Người dân Palestine hiện đang theo dõi sát sao các diễn biến trong chuyến công du này, trong đó có cả thủ lĩnh của phong trào Hamas, Khaled Meshaal, người từng kêu gọi Tổng thống Trump thay đổi hướng tiếp cận cũ kỹ đối với hòa bình Trung Đông. “Đây là một cơ hội lịch sử để gây sức ép với Israel nhằm tìm ra một giải pháp hợp lý cho người dân Palestine”, ông Meshaal nói.
Trong hôm thứ ba vừa qua, phong trào Hamas đã công bố một tài liệu chính sách trong đó lần đầu tiên thể hiện sự sẵn lòng chấp nhận ý tưởng thành lập một nhà nước Palestine bên trong các đường biên giới từng được thiết lập sau cuộc chiến Arab-Israel năm 1967, dù vẫn không công nhận nhà nước Israel.
Giới chức Palestine thời gian gần đây đã nhận ra rằng vấn đề của họ đang bị lãng quên do các mối quan ngại toàn cầu khác trỗi dậy như cuộc nội chiến ở Syria và sự trỗi dậy của tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và muốn chính quyền Washington hiện tại mang vấn đề Israel-Palestine trở lại tâm điểm.
Mới đây, một trong số các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump, Jason Greenblatt, đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán với giới chức Israel và Palestine trong một chuyến công du hồi tháng 3 vừa qua. Tổng thống Abbas và Tổng thống Trump cũng từng có cuộc điện đàm trong hôm 11-3 và có nhiều đề xuất rằng Tổng thống Mỹ có thể công du Trung Đông trong tháng này.
Một nhóm gồm 3 vị Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa đã từng kêu gọi Tổng thống Trump đề nghị ông Abbas ngừng cấp tiền cho các tù nhân Palestine và gia đình họ. Điều này có thể sẽ gây ra khó khăn lớn về mặt chính trị cho ông Abbas, trong lúc ông đang chịu sức ép từ các phe phái đối lập ở trong nước.
Theo một cựu quan chức Nhà Trắng, Dennis Ross, Tổng thống Trump đang cố gắng giúp đỡ ông Abbas bằng cách kéo dài thời gian mà ông này ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, sự bất tin giữa Palestine và Israel gần như là một rào cản mà ông Trump khó có thể phá bỏ.
“Khoảng cách giữa hai bên dường như sẽ không bao giờ được thu hẹp lại” - ông Ross nhận định.