Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã thoát chết trong gang tấc sau một vụ nổ xảy ra tại một điểm vận động chính trị của ông hồi cuối tuần trước, và sau đó tuyên bố rằng "hành động hèn hạ" trên sẽ không thể phá hoại cuộc bầu cử đầu tiên của đất nước kể từ sau khi ông Robert Mugabe bị hạ bệ.
Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa. (Nguồn: Getty).
"Hành động hèn hạ"
Ông Mnangagwa, từng là một chính trị gia trung thành với cựu Tổng thống Mugabe đứng lên thay thế ông này sau một cuộc đảo chính, hôm 24/6 nói rằng vật thể được cho là trái bom "đã phát nổ cách tôi chỉ vài inch, nhưng tôi vẫn chưa tới số".
Vụ nổ trên xảy ra ngay trong thời điểm mà đất nước Zimbabwe chuẩn bị tổ chức kỳ bầu cử đầu tiên kể từ khi ông Mugabe từ chức, vào ngày 30/6, trong đó ông Mnangagwa (75 tuổi) và Nelson Chamisa (40 tuổi) - lãnh đạo của đảng đối lập Phong trào Thay đổi Dân chủ - là hai ứng viên chủ chốt.
Chính quyền nước này hiện chưa công bố chi tiết về vật liệu đã gây ra vụ nổ tại điểm vận động chính trị đầu tiên của ông Mnangagwa ở Bulawayo, một "thành trì" của phe đối lập nơi mà đảng cầm quyền ZANU-PF chưa từng giành chiến thắng trong các kỳ bầu cử kể từ năm 2000 tới nay.
Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ việc. Được biết, kỳ bầu cử ở Zimbabwe năm nay diễn ra trong bầu không khí khá bình ổn, không giống như nhiều kỳ bầu cử trước kia vốn tràn ngập các vụ bạo lực, phần lớn là do các cuộc biểu tình mà những người ủng hộ đảng ZANU-PF thực hiện chống lại phe đối lập.
"Chiến dịch tranh cử tính đến thời điểm này vẫn diễn ra trong một môi trường hòa bình và tự do. Chúng tôi sẽ không cho phép hành động hèn hạ này ngáng đường không cho chúng tôi tiếp tục bầu cử" - Tổng thống Mnangagwa phát biểu trong hôm Chủ nhật vừa qua - "Đất nước này vẫn hòa bình".
Tổng thống Mnangagwa cho hay, trong số những người bị thương trong vụ nổ vừa qua có nhiều vị quan chức thuộc nội các của ông và thân nhân của họ, gồm Phó Tổng thống Kembo Mohadi, vợ của Phó Tổng thống là bà Constantino Chiwenga, Bộ trưởng Môi trường và Phó Chủ tịch Hạ viện. Một số nhân viên an ninh cũng bị thương sau vụ việc, tờ nhật báo Herald cho hay.
Kênh truyền hình nhà nước ZBC cho hay có 42 người bị thương trong vụ nổ, 6 người trong tình trạng nguy kịch. Kênh này cũng phát đi một số hình ảnh cho thấy Tổng thống Mnangagwa đi dạo xung quanh vườn nhà khách chính phủ tại Bulawayo sau khi sự việc xảy ra.
Ông Mnangagwa cũng tới thăm những người bị thương tại bệnh viện. Bộ trưởng Y tế Zimbabwe David Parirenyatwa cho hay, một số người bị thương có những vết thương nghiêm trọng ở phần bụng.
Được biết, việc ông Mnangagwa lên nắm quyền lực đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của những người trung thành với cựu Tổng thống Mugabe trong đó có vợ của ông Mugabe là bà Grace. Ông Mugabe từng nói rằng ông cảm thấy như bị phản bội bởi ông Mnangagwa, người từng phục vụ ông trong suốt 50 năm qua.
"Quá quen" với bạo lực chính trị
Lãnh đạo đảng đối lập Chamisa hôm Chủ nhật vừa qua đã gửi lời thăm hỏi tới gia đình các nạn nhân trong vụ nổ, đồng thời kêu gọi cảnh sát mở cuộc điều tra.
"Tình trạng bạo lực chính trị luôn luôn là điều không thể chấp nhận được. Trong suốt 38 năm qua, tình trạng bạo lực chính trị đã trở thành một đặc điểm của Zimbabwe, điều mà chúng ta cần phải chấm dứt" - ông Chamisa tuyên bố.
Ngay cả Tổng thống Mnangagwa trong bài phát biểu của mình hôm cuối tuần qua cũng nói rằng ông "đã quá quen với điều này" trong cuộc sống của mình, kể lại rằng ông đã từng bị đầu độc trong lúc vận động chính trị ở Bulawayo hồi tháng 8/2017, trong lúc đang giữ vị trí Phó Tổng thống. Sự việc trên khiến ông phải mất nhiều tuần điều trị trong một bệnh viện ở nước láng giềng Nam Phi.
Hiện nay, có 23 ứng viên đã đăng ký ứng viên trong kỳ bầu cử lần này, và ông Mnangagwa cam kết sẽ tổ chức một kỳ bầu cử công bằng và tự do.
Giới quan sát quốc tế đã có mặt tại Zimbabwe trong lần đầu tiên kể từ năm 2002 và, nếu họ lên tiếng ủng hộ kỳ bầu cử này, điều đó sẽ giúp đất nước Zimbabwe đảm bảo được nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức quóc tế - lần đầu tiên trong suốt 2 thập kỷ qua.
Cả hai ứng viên chính hiện nay - ông Mnangagwa và Chamisa - đều đang vận động với lời cam kết sẽ vực dậy nền kinh tế đất nước vốn đã hứng chịu vô số tổn thất do chính sách không hiệu quả dưới thời Tổng thống Mugabe.
Đảng cầm quyền ZANU-PF nói rằng Zimbabwe đang đứng trước giai đoạn chuyển đổi quan trọng và cần một người có kinh nghiệm như ông Mnangagwa dẫn dắt. Trong khi ông Chamisa nói rằng ông Mnangagwa cũng phải chịu trách nhiệm cho nền kinh tế suy sụp của đất nước bởi ông từng là cấp Phó của Tổng thống Mugabe kể từ năm 1980.