Trong chuyến công du tới Trung Đông gần đây, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã có một bài phát biểu tại Đại học Cairo, Ai Cập. Đề cập đến những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta, ông nhấn mạnh rằng, những người trẻ tuổi có thể và phải đóng đúng vai trò của mình trong việc giải quyết chúng. Theo ông, thế hệ mới cởi mở hơn trước, mang đặc thù của chủ nghĩa thế giới và tinh thần quốc tế. Tuy nhiên, khi những người trẻ bị tước đoạt cơ hội tự thực hiện mình, họ dễ dàng biến thành những con mồi
Tân Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói chuyện với trẻ tị nạn người Syria. (Ảnh: Reuters).
Tổng thư ký LHQ Guterres đã đánh giá cao nền văn minh và văn hóa cổ kính Arab. Ngay từ khi ông còn là Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), ông đã từng kinh ngạc phát hiện ra việc thế giới Arab nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung đã tích cực tới mức nào trong những nỗ lực bảo vệ người tị nạn.
Phát biểu tại Đại học Cairo, người đứng đầu LHQ nêu rõ: Điều thú vị nhất là, trái ngược với quan niệm sai lầm phổ biến từ lâu, ngỡ như các điều luật bảo vệ người tị nạn đã được phát sinh ra sau thế chiến tranh thứ hai, việc bảo vệ người tị nạn đã luôn tồn tại trong nền văn hóa và các truyền thống của thế giới Hồi giáo. Tuyên bố tuyệt vời nhất về việc bảo vệ người tị nạn, như người bạn của tôi, Hisham Badr, cựu Cao ủy LHQ về người tị nạn, biết rất rõ, - đó chính là tuyên bố đó có thể được tìm thấy ở trong chương “Al-Tavba” của Kinh Coran. Tại đó có nói rằng, bạn cần phải bảo vệ cả những tín đồ lẫn những người không phải là tín đồ. Và những ai hiện đang chỉ trích Kinh Coran và cho rằng đó là một tôn giáo không bác ái sẽ cần phải nhận thức được rằng, trong lĩnh vực bảo vệ người tị nạn thì Hồi giáo là một tôn giáo khoan dung, đoàn kết và mang đậm chủ nghĩa nhân đạo…
Tổng Thư ký Gutteres nhận định, những dòng người tị nạn gia tăng chưa từng thấy hiện là hệ lụy từ những cuộc xung đột xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới. Theo ông, trong những thập niên gần đây, trật tự thế giới lưỡng cực đã được thay thế bằng mô hình thế giới đơn cực và ngự trị trên trái đất hiện nay là tình trạng bất ổn, khó lường và hoành hành của tội ác.
Ông Guterres đã đưa ra các thí dụ liên quan tới Niger, Mali, Libya, Somalia, Yemen, Syria, Iraq, và nhấn mạnh rằng, tất cả các cuộc xung đột đó đều có dây mơ rễ má với nhau và với các mối đe dọa toàn cầu mới từ phía chủ nghĩa khủng bố. Hơn nữa, trong lúc các cuộc xung đột cũ còn chưa bị xóa bỏ thì lại liên tiếp xuất hiện các cuộc xung đột mới. Theo người đứng đầu LHQ, không được quên rằng tất cả các cuộc xung đột đó đều bắt nguồn từ cuộc xung đột Israel-Palestine, mà trong nhiều thập niên qua đã không tìm ra được giải pháp. Ông Gutteres nhấn mạnh: “Chính vì lý do đó mà trên nền tảng của các sự kiện hiện nay, một điều rất quan trọng, theo ý kiến của tôi và tôi nghĩ rằng, đây cũng là quan điểm của LHQ và đại đa số các thành viên trong tổ chức này – là phải nhấn mạnh một thực tế rằng, không thể có một phương án nào khác giải pháp về sự tồn tại của hai quốc gia. Do đó, cần phải loại bỏ bất cứ một trở ngại nào trên con đường tiến tới thực hiện các quyết định về hai nhà nước…”
Tuy nhiên, ông Gutteres cũng lưu ý rằng, tự thân mô hình đa cực không thể dẫn thế giới tới được với hòa bình. Cần phải lập ra thêm và duy trì các tổ chức đa phương hiện có, trong đó bao gồm cả LHQ. Việc này rất không dễ dàng trong hoàn cảnh hiện nay, khi nhiều nước đang theo đuổi những quan điểm mang tính dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại, tự thu mình lại và không hiểu sự cần thiết phải hành động đa phương…”
Theo ông Gutteres, “những người trẻ tuổi, ngược lại, có tính giao tiếp quốc tế hơn và cởi mở hơn. Chúng ta không thấy ở những người trẻ tuổi các biểu hiện như thói bài ngoại, thiếu sự dung nạp, hay cảm xúc phân biệt chủng tộc, mà ngày hôm nay, thật không may, đang là phổ biến ở nhiều quốc gia. Những người trẻ tuổi sử dụng các hình thức giao tiếp mới, kể cả để nâng cao hơn nữa tình đoàn kết chung. Và điều đó mang lại cho tôi niềm hy vọng rằng, thế hệ mới sẽ có thể làm điều gì đó mà thế hệ hiện tại chưa làm được: đó là tăng cường các cơ chế quản lý dân chủ đa phương để hòa bình sẽ chiến thắng”.
Ông Guterres đã thừa nhận những lợi ích to lớn của quá trình toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ, dẫn đến sự phát triển của thương mại, giảm nghèo đói và cải thiện phúc lợi ở nhiều nước. Đồng thời, chính thực tế đó cũng làm gia tăng nhanh chóng tình trạng bất bình đẳng. Lãnh đạo LHQ đã chỉ ra rằng, hiện nay tập trung trong tay của tám cự phú hàng đầu thế giới một lượng của cải tương đương với tổng thu nhập của một nửa phần nghèo nhất của nhân loại. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng tăng và tại một số nước, quá trình toàn cầu hóa và những công nghệ mới cũng có vai trò trong câu chuyện này. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cảm thấy mình bị ném ra ngoài boong tầu và đổ nguyên do dẫn tới việc đó cho toàn cầu hóa và tự do thương mại và một số khía cạnh của tiến bộ công nghệ.
Ông Gutteres nêu rõ: “Chúng ta hiện đang phải thấy tại những vùng công nghiệp trên toàn thế giới, tâm trạng bất mãn ngày một mạnh mẽ hơn đối với giai tầng thượng lưu chính trị vốn không tìm ra được các giải pháp cho các vấn đề nảy sinh bởi quá trình toàn cầu hóa. Chúng ta đang nhìn thấy khoảng cách giữa dư luận xã hội với các chính phủ, các nhà lãnh đạo chính trị. Chúng ta đang phải chứng kiến những cuộc trưng cầu dân ý mà tại đó chiến thắng lại thuộc về các quan điểm rất cực đoan. Đồng thời, mỗi khi chúng ta cố gắng liên kết mọi người xích lại gần với nhau để giải quyết các vấn đề thiết thân nhất thì cái trạng thái thiếu lòng tin đối với chính quyền lại làm suy yếu hiệu quả quản lý và trở thành trở ngại nghiêm trọng đối với những nỗ lực để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Và trong câu chuyện này, tôi lại phải một lần nữa đặt niềm hy vọng vào những người trẻ, vào thế hệ mới.
Cụ thể, nếu chúng ta phân tích cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, thì sẽ thấy, trái ngược với các tầng lớp cha anh, những người trẻ tuổi lại bỏ phiếu chủ yếu phản đối Brexit. Trong việc này xuất hiện một thứ như là nghịch lý: bởi vì trong nhiều trường hợp, tương lai của thế hệ trẻ được xác định bởi những người đi trước…”. Ông Guetteres cũng nhấn mạnh, nếu chúng ta hiểu rằng, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, và chúng ta tin rằng thế hệ mới có thể giải quyết được chúng thì chúng ta phải hỗ trợ họ, trước hết là phải giải quyết tình trạng thất nghiệp trong các thanh niên…
Người đứng đầu LHQ nêu rõ: “Còn gì có thể tồi tệ hơn so với các tình huống mà một người đàn ông trẻ tuổi hoặc một người phụ nữ trẻ tuổi, những người đã tốt nghiệp các trường đại học mà sau đó lại không thể tìm ra việc làm, đánh mất tất cả hy vọng và không nhìn thấy bất cứ một triển vọng nào cho mình. Các tổ chức cực đoan sẽ không khó khăn gì mà không lợi dụng được sự tuyệt vọng và nỗi tức giận của những thanh niên này để truyền bá hệ tư tưởng của chúng. Đó có thể là IS, cũng có thể là một chính đảng dân túy bài ngoại ở bất cứ nước nào. Mới đây nhất, chúng ta đã chứng kiến tội ác ghê tởm phạm do một phần tử phân biệt chủng tộc da trắng gây ra (ở Canada). Rõ ràng là chủ nghĩa cực đoan tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và trong những vỏ bọc khác nhau. Chính tâm trạng thất vọng của những người trẻ tuổi không nhìn thấy tương lai cho chính bản thân mình đang trở thành một trong những cội nguồn chính dẫn tới các mối đe dọa an ninh trên thế giới. Vì vậy, khi các chính phủ đưa ra những chiến lược kinh tế, khi cộng đồng quốc tế đang phát triển các cơ chế hợp tác thì trước hết cần phải tính tới vấn đề thất nghiệp của thanh niên và đào tạo kỹ năng cần thiết cho những người trẻ tuổi…”