Đề án được nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm tra khí thải cho 10.682 xe máy và khảo sát 7.216 người dân TP HCM.
Sau khi hoàn thiện chính sách kiểm định, sẽ thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu khí thải và thu phí 50.000 đồng/xe/năm.
Ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành môi trường Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải, nhóm nghiên cứu đề án cho biết, đề án nhằm giảm thiểu khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường; cắt giảm khí nhà kính, thực hiện các cam kết của quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng hạn chế phương tiện cá nhân trong tương lai.
Ông Khang cho rằng, đề án sẽ không gây xáo trộn lớn cho xã hội; không ảnh hưởng nhiều đến người dân và người dân thực hiện kiểm định khí thải xe máy một cách tự nguyện. Tổng chi phí để thực hiện đề án đến năm 2030 là 350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án này được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức, nhiều chuyên gia, đại diện các quận, huyện đánh giá đề án chưa thuyết phục, cần phải làm rõ nhiều vấn đề cốt lõi.
PGS.TS Phạm Xuân Mai (Trường Đại học Bách khoa TP HCM) cho rằng, số liệu nghiên cứu được đưa ra ở đề án chưa đủ tin cậy. So với tổng lượng xe máy tại thành phố khoảng 10 triệu chiếc, việc đo và lấy mẫu chỉ hơn 10.000 chiếc là quá ít, chưa đủ cơ sở đánh giá tỷ lệ phát thải. Ngoài ra, các giải pháp tại dự thảo đưa ra chưa phù hợp, bởi hệ lụy từ ô nhiễm khí thải xe máy, chính quyền cùng người dân phải “gánh”, trong khi những nơi sản xuất lại không liên quan.
Tương tự, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP HCM) đánh giá, độ thuyết phục của đề án chưa cao vì xe gắn máy rất nhiều trong khi những mẫu kiểm định lại quá thấp; việc đào tạo các chuyên gia kiểm định cũng cần phải được tính toán kỹ.
“Chúng tôi chưa thấy nêu được mục tiêu và lợi ích và có tác động như thế nào khi thực hiện đề án đối với môi trường, đem lại lợi ích cho người dân” – LS Hòa nói.