Qua giám sát, Mặt trận TP HCM đã đề xuất những nguyện vọng, kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) để lãnh đạo các sở, ngành Thành phố; các tổ chức tài chính đưa ra giải pháp hỗ trợ giúp DN hồi phục, phát triển trong tình hình mới.
Ngày 12/10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp với các sở, ngành, đơn vị của Thành phố về thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn - linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư - đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Ông Võ Văn Thiện - Trưởng Ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Dũng -Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố đã tới dự. Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch Thường trực và bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, bà Trương Thị Ánh - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, thành viên Đoàn Giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP HCM giải trình việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động nghỉ việc và trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn chậm.
Cụ thể, bà Trương Thị Ánh cho rằng 2 chỉ tiêu trong việc hỗ trợ cho người dân Thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hỗ trợ người lao động ngừng việc và hỗ trợ thêm cho trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật đến hiện tại là chậm tiến độ.
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Bảo Cường - Trưởng phòng Lao động tiền lương Bảo hiểm xã hội của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay các quận, huyện và các đơn vị có liên quan đã phê duyệt xong danh sách người đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, các quận, huyện đang rất khó khăn về kinh phí.
Theo ông Cường, liên quan đến gói hỗ trợ đợt 3 thì tháng 9-2022, UBND TP HCM đã thống nhất với đề xuất của các sở ngành là tiếp tục chi gói hỗ trợ đợt 3 cho số lượng người lao động đã được phê duyệt. "Tuy nhiên, đến nay gói này chưa được chi. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang chờ báo cáo, xin ý kiến của UBND Thành phố để có chủ trương thực hiện" – ông Nguyễn Bảo Cường nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Bảy – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cho rằng, ở bối cảnh hiện nay, các vấn đề khó khăn, vướng mắc của các DN đang được Thành phố quan tâm giải quyết. Hiện tại đã có nhiều chuyển biến tích cực so với thời điểm TP HCM bị ảnh hưởng dịch bệnh. “Sở đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra do Ban Giám đốc sở trực tiếp đến tìm hiểu thông qua các phản ánh của DN, người dân liên quan đến việc giải quyết hồ sơ DN và kiến nghị các giải pháp trong thời gian tới”, ông Bảy thông tin.
Ngoài ra, theo ông Bảy, giám đốc và các trưởng phòng đã xây dựng kế hoạch tại trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư như tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi với các DN, từ đó từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ông Đào Minh Chánh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sự phục hồi kinh tế và những nỗ lực của Thành phố trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát... có nhiều khả quan. Tuy nhiên, việc ban hành Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn năm 2022-2025 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho biết, qua giám sát, Mặt trận Thành phố đã đề xuất một số nguyện vọng, kiến nghị của các DN để lãnh đạo các sở ngành Thành phố, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Thành phố, Cục Thuế Thành phố, cơ quan Bảo hiểm xã hội Thành phố có giải pháp hỗ trợ, động viên giúp DN hồi phục, phát triển trong tình hình mới, nổi bật trong đó có các vấn đề như:
Xem xét việc gia hạn hợp đồng thuê đất đối với các DN thuê đất của Nhà nước để sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện về thủ tục, xin giấy phép xây dựng đối với các DN có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng nhà xưởng; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đồng thời tạo cạnh tranh công bằng cho các DN; áp dụng chính sách đặc thù trong việc khai thác, sử dụng đất nông nghiệp áp dụng kỹ thuật công nghệ cao; tháo gỡ những thủ tục hành chính trong việc cấp phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Mặt trận đề nghị chính quyền Thành phố nghiên cứu, triển khai các thông tin về xu hướng sản xuất, kinh doanh, thị hiếu thị trường đến các DN để các DN có cơ sở định hướng trong xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, cạnh tranh với các nước bạn trên thế giới. Tăng cường công tác phối hợp tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa các DN trên địa bàn Thành phố; giao lưu, kết nối giữa các DN trên địa bàn với các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội để DN tiếp xúc trực tiếp với chính quyền Thành phố, các Sở ngành có liên quan nhằm phản ảnh về những khó khăn, vướng mắc, trở ngại của DN trong hoạt động liên quan đến cơ chế, thủ tục, chính sách…