Thông tin trên được ông ông Hoàng Phúc Dũng - Phó Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TPHCM - cho biết tại buổi Họp báo về Kinh tế - xã hội TPHCM, chiều 3/10.
Ông Hoàng Phúc Dũng cho rằng, thành phố có hơn 10 triệu dân và đang phát triển nhanh chóng nên thường xuyên bị ùn tắc và kẹt xe.
Với mật độ giao thông rất cao, việc xây dựng các tuyến đường trên cao giúp tách biệt dòng xe, giảm áp lực cho các tuyến đường mặt đất. Ngoài ra, các tuyến đường trên cao sẽ giúp kết nối nhanh chóng giữa các quận, trung tâm lớn hoặc liên kết vùng.
Nói về lợi thế đường trên cao, ông Hoàng Phúc Dũng khẳng định, giải pháp làm đường trên cao là một trong những phương án hiệu quả nhằm giảm ùn tắc và kẹt xe tại TPHCM trong giai đoạn hiện nay.
Vị này cho hay, hiện Sở Giao thông vận tải đang nghiên cứu 5 dự án BOT theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98, trong đó có nghiên cứu phương án làm đường trên cao.
Đơn cử, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến giáp ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến lức - Long Thành); xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Các dự án được lựa chọn trên tiêu chí đây là các trục giao thông huyết mạch, cửa ngõ ra vào thành phố, có tính chất liên kết vùng, thời gian qua luôn trong tình trạng quá tải, kẹt xe thường xuyên,...
Theo Sở Giao thông vận tải, TPHCM là đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông lớn, giao lưu quốc tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, luôn tập trung đông người dân và xe cộ.
Cụ thể, top 17 tuyến đường chịu áp lực lớn nhất TPHCM lần lượt là: Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa, Nguyễn Hữu Thọ, Âu Cơ, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Điện Biên Phủ, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, cầu Kênh Xáng, Trường Sơn, quốc lộ 1, Phạm Hùng, quốc lộ 50, Hồng Bàng, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt.