Ngày 5/5, UBND TP HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề định hướng phát triển kinh tế xã hội TP giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, với sự tham dự của ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, cùng đại diện các bộ ngành trung ương, các tỉnh thành, chuyên gia nghiên cứu phía Nam.
Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận, với tốc độ tăng trưởng bền vững hiện tại thì chỉ cho 10-15 năm tiếp theo, TP HCM sẽ đạt đến quy mô một đô thị hiện đại, phát triển nhanh và năng động bậc nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Trong đó, TP HCM sẽ là một trong các trung tâm kinh tế - tài chính của khu vực, và trở thành một siêu đô thị đa trung tâm với điểm nhấn là TP Thủ Đức và các đô thị mới dọc sông Sài Gòn.
Dù vậy, TS Trần Du Lịch vẫn cho rằng có những rào cản cố hữu cần có sự đột phá về cơ chế, thể chế, cơ cấu. Với Nghị quyết cho phép TP HCM thực hiện cơ chế đặc thù (NQ54) thì đô thị này phải đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư đến từ khu vực và quốc tế. Đây chắc chắn vừa là cơ hội cũng chính là thách thức đối với TP HCM hiện nay.
Một số nghiên cứu khuyến nghị TP HCM nên ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng. Trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn như cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cao tốc TP HCM - Mộc Bài; hoàn thành và đưa vào vận hành dự án Metro; triển khai nhanh chóng các đường vành đai đang dang dở;...
Có ý kiến cũng dẫn Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cơ chế rất rõ, thế nào là phân cấp, thế nào là phân quyền, thế nào là ủy quyền nhưng trong các luật chuyên ngành thì lại không hề nhắc đến. Do đó, TP HCM cần rà lại những luật chuyên ngành liên quan, những gì cần phân cấp, những gì cần phân quyền, những gì cần ủy quyền đối với từng lĩnh vực.
Mô hình quản lý đô thị cũng cần nghiên cứu để phù hợp và phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí địa kinh tế và vai trò của TP HCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Cũng tại Hội thảo, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM đề cập đến sự phát triển của TP HCM cần theo hướng đô thị bền vững, đô thị thông minh, nhất là cần tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Một đô thị thông minh phải tận dụng được sự phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao năng suất, đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng theo chiều sâu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI),...
Chia sẻ với giới chuyên gia tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hệ thống chính trị thành phố đang duy trì mức tăng trưởng ổn định về mọi mặt, riêng giai đoạn 2016-2019 giữ GRDP tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách quốc gia.
Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ, hàng không, xuất nhập khẩu thế nhưng TP HCM vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, đảm bảo mức đóng góp hơn 25% ngân sách cả nước.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa XI vừa qua đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển TP HCM trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, trong đó GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD.
Đến năm 2030, cơ bản TP HCM đủ tiêu chí của một trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực.