Ngày 25/7, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường tại TP HCM giảm khoảng 86%.
Chiều 25/7, trao đổi với báo Đại Đoàn kết Online, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng Sở GTVT tải TP HCM cho biết, hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn thành phố chấp hành tốt quy định Chỉ thị 16; lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường giảm khoảng 86% (so với lưu lượng trước khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16). Lưu lượng phương tiện qua 12 chốt kiểm soát phòng chống dịch thành phố giảm so với ngày 24/7.
Hoạt động vận tải đưa đón người phục vụ chống dịch; hoạt động vận tải đưa đón người theo yêu cầu của ngành y tế, Sở GTVT đã phối hợp tổ chức vận chuyển 80 lượt xe vận chuyển 1.260 người từ các bệnh viện, trạm y tế đến bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị Covid-19; 34 lượt xe theo yêu cầu của Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển các ca F0. Phối hợp với các bệnh viện vận chuyển 2.231 bệnh nhân khỏi bệnh về nhà trong ngày 24/7 năm 2021.
Ngoài ra, Sở GTVT đã phối hợp tổ chức 211 lượt xe vận chuyển y bác sỹ, người phục vụ phòng chống dịch cho các bệnh viện; phối hợp tổ chức cho 748 người dân trở về tỉnh Hà Tĩnh trong ngày 24/7; phối hợp với Sở Công thương tổ chức: 5 chuyến bán hàng bình ổn giá bằng xe buýt.
Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển và đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố trong các ngày thực hiện Chỉ thị 16: Cảng biển: 474.924 tấn/ngày, giảm 1,93% so với trước Chỉ thị16; đường thủy nội địa: 203.669 tấn/ngày, giảm 9,23% so với trước Chỉ thị 16.
Sở GTVT TP HCM đã cấp Giấy ưu tiện phương tiện có mã QR - tạo luồng xanh cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, sản xuất kinh doanh với số lượng 42.961 giấy nhận diện cho 71 đơn vị; phê duyệt 708 giấy nhận diện và từ chối 1.248 xe từ phần mềm của TCĐBVN.
Tổ chức giao thông cho 200 xe taxi Mai Linh hoạt động để hỗ trợ vận chuyển người bệnh từ các khu cách ly về nhà và hỗ trợ vận chuyển cấp cứu chuyển bệnh trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Sáng nay 25/7, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, việc tổ chức phân luồng, kiểm soát lưu thông tại các chốt ở cửa ngõ ra/vào thành phố và trong nội đô, Công văn 2468 của UBND TP HCM cũng đã có hướng dẫn cụ thể. Theo đó, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chịu trách nhiệm tổ chức kiểm soát tùy theo tình hình thức tế tại địa bàn; thiết lập các chốt theo phương pháp kiểm tra linh hoạt, khoa học.
Ông Lâm cho biết người giao hàng (shipper) trên địa bàn TP HCM chỉ được vận chuyển các mặt hàng thiết yếu. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt nếu người giao hàng không thuộc các hãng vận chuyển, không xuất trình giấy tờ tùy thân và đang vận chuyển hàng không thiết yếu.
Về vấn đề giao, nhận hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, hiện nay, 2/3 xe máy đi đường là người giao hàng với 2 hình thức: shipper công nghệ và xe ôm truyền thống chuyển sang shipper.
Để tăng cường phòng, chống dịch thành phố sẽ cấm các phương tiện giao hàng tự phát vì khó kiểm soát. Riêng các đơn vị vận chuyển được hoạt động nhưng phải tổ chức có trật tự, quy củ để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.