Sáng 29/7, UBND TP HCM có cuộc làm việc với Bộ Y tế, giám đốc các bệnh viện trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, TP HCM phấn đấu đến cuối tháng 8/2021, có khoảng 70% dân số thành phố (trên 18 tuổi) được tiếp cận vaccine Covid-19 mũi 1.
Bộ Y tế đề nghị thành phố đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và đồng ý để TP HCM áp dụng thí điểm mô hình tiêm phù hợp với điều kiện và tình hình phòng chống dịch của thành phố.
Theo cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, hiện tổng số dân TP HCM là 8,99 triệu dân, trong đó có 6,99 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Hiện tổng số người tiêm mũi 1 là 977.418, tổng số người tiêm mũi 2 là 62.234 liều.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết từ ngày 22/7 đến 27/7, trong chiến dịch tiêm chủng đợt 5 vaccine phòng Covid-19 tại TP.HCM có khoảng 300.000 người được tiêm.
HCDC cho hay, chiến dịch tiêm chủng đợt 5 sẽ được thực hiện 120 người/ngày để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và phòng chống Covid-19. Bệnh nhân có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi sẽ tiêm tại bệnh viện. Các nhóm đối tượng khác sẽ tiêm tại các điểm tiêm tại phường xã.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế giao các bệnh viện tuyến trung ương thiết lập 3.000 giường hồi sức trên địa bàn TP HCM. Cụ thể, Bộ Y tế giao, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh việnTrung ương Huế thiết lập 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TP HCM.
Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện K được giao nhiệm vụ sẵn sàng chung sức thiết lập thêm một Trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, TP HCM đảm trách công tác hậu cần để ba Trung tâm vận hành hiệu quả.
Trong buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết lãnh đạo UBND thành phố đã thảo luận với Bộ trưởng Y tế và các lãnh đạo, giám đốc bệnh viện trung ương, thống nhất thành lập 3 trung tâm hồi sức tích cực cho F0 nặng, nguy kịch.