Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội và dịch bệnh trên địa bàn thành phố chiều ngày 13/10, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, số cửa hàng thông báo hết xăng đã giảm hẳn.
Cụ thể, đến 14h chiều cùng ngày, số cửa hàng xăng dầu bị gián đoạn cung ứng trên địa bàn đã giảm còn khoảng một nửa so với ngày 12/10. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, tại các hệ thống lớn như Petrolimex gần như không còn tình trạng xếp hàng, khách vào là được đổ xăng dầu ngay.
Lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, tình trạng tạm hết hàng những ngày qua chủ yếu xuất hiện ở các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ. Ông Phương lý giải, những cửa hàng nhỏ lẻ không đầu tư xe vận chuyển hay kho dự trữ, do đó phụ thuộc vào đơn vị cung cấp. Nếu hết hàng trong giờ cao điểm, xe bồn không lưu thông được thì buộc phải ngưng bán hàng.
“Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường thì các cửa hàng xăng dầu đều cạn xăng. Không có tình trạng găm hàng hay bán nhỏ giọt. Bởi vì những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường liên tục kiểm tra các cây xăng. Đối với cửa hàng nào đóng cửa phải có giấy chấp thuận của Sở Công thương hoặc thật sự bị gián đoạn. Lực lượng quản lý thị trường có kiểm tra lượng xăng đang dự trữ. Nếu xăng còn mà không bán thì đều bị xử phạt”, ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh.
Nói về nguồn cung xăng dầu, ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Khu vực II - Petrolimex Saigon cũng cho rằng tình hình hiện tại chỉ là thiếu nguồn cung cục bộ.
Ông Tuấn thông tin, từ nay đến ngày 17/10 đơn vị sẽ nhập về Tổng kho xăng dầu Nhà Bè tổng cộng 100.000 m3 xăng dầu, trong đó có 80.000 m3 xăng RON 95 nhập khẩu và 20.000 m3 xăng E5 RON 92. Dự kiến những ngày còn lại của tháng 10, Petrolimex Saigon sẽ nhập tiếp 30.000-40.000 m3 xăng từ trong nước và 80.000 m3 dầu từ nhập khẩu.
"Với lượng bổ sung này chúng tôi hoàn toàn có khả năng đáp ứng cho hệ thống cửa hàng trực thuộc và nhượng quyền. Ngoài ra, chúng tôi cũng còn có kế hoạch nhập thêm về Tổng kho Nhà Bè từ đầu tháng 11 nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng không bị gián đoạn. Đặc biệt, kế hoạch không chỉ cho TP HCM mà cho tất cả tỉnh thành phía nam", ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, với hệ thống gồm 123 cửa hàng sở hữu và nhượng quyền tại TP HCM, doanh nghiệp luôn có kế hoạch đảm bảo nguồn cung.
Chiều ngày 12/10, nói về tình trạng “nóng” xăng dầu trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM cho rằng, sau thời điểm tăng giá thì hoạt động kinh doanh khác với ngày trước. Trong ngày 12/10 việc người dân xếp hàng để mua xăng dầu đã “giảm nhiệt”.
Trước đó, trong ba ngày 10, 11, 12/10, các cửa hàng cơ bản đã nhập hàng trở lại. Ví dụ, ngày 10/10 có khoảng 7,4% số cửa hàng nhập xăng dầu, ngày 11/10 là 39,4%, ngày 12/10 con số này lên đến 67,8%.