TP Hồ Chí Minh: Biến động mạnh trên thị trường lao động

LÊ ANH 11/11/2022 07:54

Dù luôn dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tuy nhiên TPHCM lại đang đứng trước nhiều thách thức trước những biến động mạnh chưa từng thấy trên thị trường lao động, nhất là sức ép về thất nghiệp và giảm thu nhập.

Doanh nghiệp tìm cách vượt qua những rào cản, nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Ảnh: Hồng Phúc.

Mất cân đối cung - cầu

Đánh giá về các biến động mạnh đang diễn ra trên thị trường lao động TPHCM, TS. Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM chỉ ra các thách thức lớn mà “đầu tàu” kinh tế của cả nước sẽ đối mặt trong những tháng còn lại của năm 2022. Trước hết, đó là các biến động tỷ giá, lãi suất cho vay tăng, siết tín dụng, doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng, buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động,… đã tạo gánh nặng trực tiếp lên các chính sách về an sinh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... “Tuy nhiên, cung cầu mất cân đối khiến thị trường lao động sẽ còn biến động mạnh hơn nữa, dẫn đến nảy sinh các vấn đề xã hội” - bà Sâm nhìn nhận.

Ngoài thị trường lao động, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM cho biết, thị trường tiêu dùng trước sức ép của lạm phát cũng cho thấy những vấn đề đáng lo ngại, trước hết là công tác chăm lo Tết cổ truyền 2023 đã tới rất gần. “Một số mặt hàng đã tăng giá đến 12-15% dù thị trường đang được kìm chế bởi các giải pháp bình ổn giá. Thế nhưng, cứ với tình hình này, không chỉ DN kinh doanh xăng dầu gặp khó mà nguồn cung ứng hàng thiết yếu cũng chịu ảnh hưởng của đà tăng giá do lạm phát. Người tiêu dùng tiếp tục gặp khó khăn” - ông Ninh dự báo.

Mất cân đối cung - cầu là một vấn đề rất nan giải, theo KTS Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty TNHH Bhomes (quận 7, TPHCM), nếu không chủ động được về nguồn cung, trên cơ sở khuyến khích phát triển sản xuất nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng nhập siêu tăng, dẫn đến thâm hụt thương mại. Chỉ tính riêng ngành xăng dầu, UBND TPHCM vừa phải gửi kiến nghị bằng văn bản đến liên Bộ Công thương - Tài chính báo cáo về tình trạng các thương nhân phân phối không chủ động nhập xăng dầu... Việc không đảm bảo được nguồn cung hoặc cung cấp thiếu hụt ở một số thời điểm đã dẫn đến tình trạng một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TPHCM rơi vào thiếu hàng cục bộ trong tháng 10 và tháng 11/2022.

Không chỉ đối với các DN trong lĩnh vực năng xăng dầu, hầu hết các DN ngành thép, bất động sản và xây dựng cũng báo cáo doanh thu giảm sâu so với cùng kỳ 2021. Trong đó, nhiều DN báo cáo lợi nhuận sau thuế ở mức âm, giảm 117% so với cùng kỳ năm trước. Trước khó khăn của các DN, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa chủ trì làm việc với 15 DN bất động sản, xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TPHCM để lắng nghe thêm các hiến kế, góp ý giải pháp cấp thiết trong ngắn hạn. Trong đó, các DN kiến nghị cần có giải pháp cấp thiết điều chỉnh để có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng 570.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2025 cho các đối tượng người thu nhập thấp, công nhân, người lao động.

Không để “đứt gãy” kinh tế

Dù còn khoảng gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2023, song các Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải quan, Cục Quản lý Thị trường TPHCM đang tính toán nhiều giải pháp để chủ động kìm chế ảnh hưởng của lạm phát, bình ổn thị trường, đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết.

Để bình ổn thị trường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho rằng, vai trò của DN trong huy động nguồn lực thị trường là rất quan trọng để đảm bảo nguyên tắc: “Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ”. Theo bà Thắng, TPHCM có nhiều kinh nghiệm để ban hành các giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại, liên kết vùng giữa các địa phương, nhất là các giải pháp phối hợp, hỗ trợ DN đầu tư, liên kết đầu tư, phát triển sản xuất, hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu…Từ đó, đảm bảo chương trình phát huy hiệu quả nhất để vừa hỗ trợ DN đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng, vừa kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thương hiệu Việt.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, đà tăng trưởng lạm phát không chỉ gây áp lực trực tiếp cho các ngành kinh tế mũi nhọn, với các “ông lớn” trong các lĩnh vực này mà các tác động còn rất nặng nề đối với phần còn lại của nền kinh tế, là những DN vừa và nhỏ. Để đảm bảo nền kinh tế không bị đứt gãy, từ đầu năm đến nay Chính phủ đã đầu tư hàng tỷ USD vào các lĩnh vực chiến lược như y tế, lao động, việc làm, kinh doanh hộ gia đình, du lịch, cơ sở hạ tầng… Trong khi đó, từ đầu năm Chính phủ cũng đã cắt giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% cùng với việc đơn giản hóa quy trình nhập cảnh cho người nước ngoài, đó là một trong những giải pháp khá hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, UBND TPHCM cần chính sách tài khóa phù hợp để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung cải thiện dịch vụ công trong phục vụ người dân, DN và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng, bất động sản, du lịch. Bởi vì đây là những trụ cột quan trọng cho sự phục hồi và phát triển về lâu dài cho nền kinh tế TPHCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Biến động mạnh trên thị trường lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO