TP HCM là địa phương đi đầu trong công tác giảm nghèo và chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc công bố chỉ còn 39 hộ dân chưa có nhà ở đã đặt ra nhiều băn khoăn, nghi hoặc, liệu có nhầm lẫn trong báo cáo số liệu trên hay không?...
Kể từ 2010 đến nay, UBND TP HCM đã thực hiện nhiều chính sách về nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở dành cho người có thu nhập thấp trên địa bàn. Một trong số các chính sách này là ưu tiên, khuyến khích cho DN tham gia đầu tư phát triển NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ, loại hình căn hộ thuê/thuê mua,…Ngoài ra, chính quyền cũng bố trí các quỹ đất sạch có vị trí gần các KCN - KCX tập trung, đồng thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi kích cầu của thành phố với thời hạn cho vay dài hạn từ 10 năm trở lên để phát triển nguồn cung nhà ở cho người dân thành phố.
Hiệu quả của các chính sách về nhà ở của TP HCM được Cục Thống kê TP báo cáo tại Hội nghị Tổng kết và công bố kết quả sơ bộ “Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019” vào tháng 10/2019, với số liệu cho đến nay trên toàn địa bàn thành phố hiện chỉ còn 39 hộ dân chưa có nhà ở. Theo báo cáo này, trong tổng số 2,5 triệu hộ dân cư trên địa bàn thành phố đến nay chỉ còn 39 hộ không có nhà ở. Trung bình cứ 100.000 hộ dân cư của TP HCM thì còn có 2 hộ không có nhà ở.
Tuy nhiên, con số này đã khiến nhiều người băn khoăn, nghi ngờ?
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), kết quả này chưa phản ánh đúng tình hình thực tế về nhà ở trên địa bàn thành phố. Ngay cả con số về dân số TP HCM hiện nay do Cục Thống kê TP đưa ra là 8,9 triệu dân; còn con số của ngành Công an TP là gần 13 triệu người, trong đó có khoảng gần 3 triệu người nhập cư cũng được đặt ra băn khoăn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, việc không thống nhất một số liệu thống kê cũng khiến cho các số liệu có sự vênh nhau. Và, rõ ràng các tiêu chí để điều tra dân số có thể đã chưa phản ánh được quy mô dân số của TP HCM vào thời điểm hiện nay. Do đó, Chủ tịch HoREA cho rằng, số liệu thống kê thành phố hiện chỉ có 39 hộ chưa có nhà ở (huyện Cần Giờ là 37 hộ, Q.4 và Q.1, mỗi nơi còn 1 hộ) là chưa có căn cứ khẳng định.
Còn PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM thì so sánh số liệu giữa Sở Xây dựng TP HCM công bố vào năm 2018 cho biết, thành phố có khoảng 500.000 người chưa có nhà ở. “Tôi cho rằng ngay cả con số này còn có thể còn chưa thống kê hết. Vậy mà chỉ sau 1 năm, tức đến 2019 mà Cục Thống kê TP HCM đã báo cáo chỉ còn 39 hộ chưa có nhà ở thì rõ ràng cần phải kiểm tra về độ tin cậy của số liệu này”, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh đặt vấn đề.
Giới nghiên cứu văn hóa, xã hội, các nhà phân tích kinh tế cũng chỉ ra nghịch lý, “chọi nhau” trong các số liệu của từng Sở ngành, quận, huyện của TP HCM công bố trong thời gian qua. Ngay cả việc chỉ xét tổng thể các khu nhà trọ, phòng trọ trên địa bàn thành phố hiện còn lụp xụp và chưa đảm bảo các tiêu chí về nhà ở theo quy định hiện hành của Bộ Xây dựng, liệu rằng có được coi là hộ đã được giải quyết về nhà ở? Đó là chưa kể, nhiều hộ gia đình sống tập trung tại các quận trung tâm, đông đúc luôn phải sinh hoạt “ở nhờ”; “ở ghép” trong những căn hộ, nhà trọ, phòng trọ chật hẹp.
Số liệu về hộ dân chưa có nhà ở có liên quan đến vấn đề hoạch định chính sách trung hạn và dài hạn của một đô thị. Đối với TP HCM, các số liệu này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm căn cứ vận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 75 của Quốc hội vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Bởi vậy, việc có các báo cáo “hồng” quá đẹp, quá hoàn hảo sẽ dẫn đến những sai lầm khác trong chính sách phát triển.