Đây là nội dung đáng chú ý của Kế hoạch số 4932/KH-UBND về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn vừa được UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành.
Kế hoạch này nhằm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 1/7/2024 của Thành ủy TP.HCM vừa được ban hành trước đó về thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, để thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, TP.HCM đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 62% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi tham gia bảo BHXH. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% LLLĐ trong độ tuổi; có khoảng 57% LLLĐ trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có ít nhất 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 98%.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP.HCM yêu cầu toàn hệ thống cần tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành và cơ quan địa phương; tiếp tục quán triệt, truyền thông thường xuyên nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành; nội dung chỉ đạo của Thành ủy, Kế hoạch số 2558/KH-UBND về cải cách chính sách BHXH… Từ đó nâng cao nhận thức về những nội dung quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động và cá nhân khi tham gia BHXH để tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất thực hiện.
Đồng thời, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH phù hợp điều kiện thực tế đến cấp cơ sở và đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm. Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn lực xã hội nhằm huy động nguồn lực hợp pháp, kết hợp với sự hỗ trợ từ ngân sách cho nông dân, người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đặc biệt đối tượng tham gia BHXH tự nguyện để mở rộng diện bao phủ, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao hằng năm.
Đổi mới công tác tuyên truyền, truyền thông và phổ biến các chính sách BHXH, BH thất nghiệp. Trong đó, các sở, ban, ngành phối hợp cơ quan BHXH đề ra biện pháp phù hợp để định hướng dư luận và nhận thức đúng của người dân, NLĐ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Song song đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp liên ngành về tình hình chấp hành phạm pháp luật lĩnh vực BHXH; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với trường hợp có biểu hiện chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động theo quy định thông qua việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các ngành, lĩnh vực (cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước về lao động) với cơ quan BHXH.
Để triển khai hiệu quả chính sách UBND TP.Hồ Chí Minh yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp thực hiện có hiệu quả các giải pháp duy trì, phát triển người tham gia đảm bảo bền vững, thực hiện lộ trình bao phủ BHXH trên địa bàn theo chỉ tiêu Kế hoạch đề ra.
Công an TP.HCM cần chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ động phối hợp Sở LĐTB&XH, BHXH, Liên đoàn lao động thành phố rà soát, thống nhất trường hợp cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị hoặc tổ chức có sử dụng người lao động khi có hành vi vi phạm pháp luật về chính sách BHXH trong quá trình tiếp nhận hồ sơ do cơ quan BHXH, các cơ quan, đơn vị cung cấp. Qua đó sớm triển khai công tác điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự về BHXH…