“Thành phố bỏ rất nhiều tiền cho chống ngập nhưng vẫn ngập nặng. Phải tìm rõ nguyên nhân chứ không thể cứ lòng vòng rồi đi vào ngõ cụt như hiện nay được”. Đó là ý kiến bức xúc của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP HCM trong buổi chất vấn Sở Giao thông Vận tải cùng các Sở ngành liên quan về công tác chống ngập.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP HCM liên tục ngập nặng mỗi khi mưa hoặc triều cường lên cao.
Lý giải về công tác chống ngập hiện nay, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM khẳng định, chống ngập là bài toán khó, kỳ họp HĐND khóa VIII đã chất vấn và giải trình vấn đề này.
Ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc Trung Tâm Điều hành chống ngập nước TP HCM thừa nhận, mùa mưa năm 2016 thành phố có 40 tuyến đường bị ngập. Cá biệt, trong tháng 5 có cơn mưa với vũ lượng nước lớn 120mm trong thời gian hơn 1 tiếng, vô hình trung nhiều tuyến chìm trong “biển nước”.
Theo Trung tâm Điều hành chống ngập nước thành phố, nguyên nhân thành phố còn ngập nặng do một số hồ điều tiết chưa hoàn thiện để đi vào hoạt động. Đối với hồ điều tiết Gò Dưa đã được tính toán nhưng vì thiếu vốn buộc phải ngưng thẩm tra dự án chờ nhà đầu tư làm thủ tục. Hiện đang chờ nhà đầu tư lập đề xuất đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.
Dự kiến, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 1.400 tỷ. Trường hợp, hồ điều tiết Gò Dưa hoàn thiện giảm bớt tình trạng ngập nặng của khu vực. Riêng kênh Ba Bò, khối lượng chính trong dự án đã hoàn thành 97%.
Tuy nhiên, do Bình dương kiên cố hóa kênh Ba Bò bằng bê tông nên lượng nước đổ về nhiều, dòng chảy lớn. Trung tâm đang lo sạt lở nên buộc phải điều chỉnh dự án. Tuần tới Trung tâm Điều hành chống ngập nước sẽ trình Sở Giao thông Vận tải phê duyệt dự án và thi công trước tháng 12/2016.
Không hài lòng nội dung trả lời của Trung tâm Điều hành chống ngập nước thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị các Sở ngành liên quan nói rõ nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kém của công tác này. “Thành phố bỏ rất nhiều tiền cho chống ngập nhưng vẫn ngập nặng. Phải tìm rõ nguyên nhân chứ không thể cứ lòng vòng rồi đi vào ngõ cụt nhủ hiện nay được. Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch kiến trúc lý giải thêm”, bà Tâm nêu quan điểm.
Nói về hiệu quả của hoạt động chống ngập, ông Sử Ngọc Anh - Giám Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 5 năm nay thành phố có khoảng 1.192.000 tỷ đồng chi đầu tư, trong đó chi 451 ngàn tỷ cho hạ tầng. 5 năm tới thành phố có khoảng 1.827.000 ngàn tỷ, đầu tư hạ tầng sẽ đón nhận gần 700 ngàn tỷ đồng.
“Đầu tư cho công tác chống ngập của thành phố là 100.000 tỷ đồng và đang phân bổ theo thứ tự ưu tiên. Tất cả các dự án nhóm C và nhóm B đều được thực hiện nhanh và kiểm tra sớm. Thế nhưng, nguyên nhân chính dẫn đến công tác chống ngập gặp khó là do triều cường, mưa, do hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng xả nhiều”, ông Sử Ngọc Anh nhận định.
Định hướng cho chương trình chống ngập đạt hiệu quả cao, giải quyết bức xúc của người dân trên địa bàn thành phố, bà Tâm cho rằng, công trình chống ngập cần quan tâm tính hiệu quả từ các dự án.
Thời gian qua nhiều dự án giải quyết tốt tình hình chống ngập cho cả lưu vực. Nhưng cũng có tuyến đường gây bất bình cho người dân. Bà Nguyễn Thị Quyết tâm yêu cầu, các Sở ngành liên quan cùng Trung tâm Điều hành chống ngập nước thành phố phối hợp giải phóng mặt bằng, sớm đẩy nhanh dự án chậm tiến độ.
Trong buổi thảo luận tại hội trường cùng ngày, nhiều đại biểu cũng quan ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đại biểu Nguyễn Thị Nga cho rằng, công tác quản lý VSATTP chưa hiệu quả mặc dù khá nhiều sở ngành tham gia.
Cơ quan quản lý liên tục phát hiện vi phạm khi có sự việc tương tự xảy ra trước đó. 80% thực phẩm của người dân thành phố sử dụng đều nhập về từ các tỉnh, vậy cách nào để phân biệt thực phẩm sạch - bẩn. Thành phố đã xây dựng chuỗi VSATTP, giờ lại có ý tưởng thành lập cơ quan chuyên ngành, chợ an toàn thực phẩm? Đưa ra giải pháp nhưng không thắt chặt quản lý thì khó hiệu quả.
Dựa trên báo cáo của Sở Y tế, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng, điều bất cập hiện nay, Sở đang thiếu giải pháp ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn.
“Để ngộ độc là, cùng đường rồi. Cứ chăm chăm khi nào có ngộ độc mới để ý thì chứng tỏ cơ quan quản lý chưa có trách nhiệm với người dân. Thức ăn không an toàn ngấm từ từ làm cho sức khỏe của người dân giảm sút đó là vấn đề quan trọng. Truy xuất nguồn gốc đó là vấn đề cuối cùng rồi, vấn đề làm sao quản lý để mọi người có bữa ăn sạch”, bà Tâm nhấn mạnh.