Ngày 12/11, Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh có buổi giám sát UBND thành phố về việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị. Tại đây, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về tình trạng bảo tồn vì thời gian qua hàng loạt biệt thự đã biến mất.
Dinh Thượng thư – một trong những kiến trúc cổ của TP HCM.
Biệt thự cũ “không cánh mà bay”
Theo UBND TP HCM, từ năm 2009 đến nay UBND thành phố đã bố trí kinh phí hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 32 di tích với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Nguồn vận động xã hội hóa trong tu bổ di tích từ năm 2009 đến nay đạt khoảng 400 tỷ đồng với hơn 20 di tích được đầu tư tu bổ. Trong đó, chủ yếu là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Mặc dù đạt được một số kết quả trong việc bảo tồn di tích, song UBND TP HCM cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập nên công tác này chưa được hoàn thiện.
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM cho hay, năm 2013 thành phố có quyết định bảo tồn di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị. Qua gần 7 năm, đến nay quy định đã hết hạn nhưng kết quả triển khai còn khá khiêm tốn. Do chưa được quan tâm đúng mức nên một số công trình di sản bị xuống cấp, lấn chiếm, tranh chấp, thậm chí nhiều công trình biến mất. Qua kiểm tra thực tế có 560/1.400 biệt thự biến mất, không còn giữ nguyên hiện trạng, thay vào đó là nhà phố, mặc dù trên giấy tờ đất vẫn ghi nguồn gốc đất là biệt thự.
Theo ông Nhã, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng di sản, kiến trúc đô thị chưa được bảo tồn tốt. Nguyên nhân khách quan, do thay đổi quy định pháp luật, nội dung thực hiện trên phạm vi rộng, phức tạp, trong khi đó lại thiếu về trình độ, nhân lực, tài chính,…
Trước thực tế trên,TS. KTS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM chia sẻ: “Kiến thức không đủ và quyết tâm bảo tồn không đủ nên nhiều khi không giữ được các công trình. Ví dụ Ba Son là công trình lịch sử nhưng bây giờ hỏi chúng ta giữ được cái gì ở Ba Son thì chưa rõ ràng”.
Xã hội hóa bảo tồn di sản
Ông Trương Trung Kiên - Trưởng ban Đô thị HĐND TP HCM băn khoăn, các công trình mang tính chất di sản được xếp hạng hiện gặp nhiều khó khăn trong duy tu, bảo dưỡng và càng ngày có chiều hướng xuống cấp, biến đổi theo thời gian. Đối với nhóm công trình chưa xếp hạng, qua giám sát cho thấy quy trình xếp hạng còn chậm, chưa kể những công trình càng để lâu sẽ biến mất.
Mong muốn có hướng giải pháp tốt hơn trong việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP HCM chia sẻ, các chuyên gia có thắc mắc, vai trò quản lý của Nhà nước đối với những di sản, di tích như thế nào? Làm sao để tổ chức, cá nhân “sống được” với di sản. Nghĩa là, các tổ chức, cá nhân có thể đưa di sản vào phục vụ hoạt động du lịch.
Cũng không ít ý kiến cho rằng, cần khuyến khích và tạo động lực cho tư nhân làm bảo tồn di sản, cảnh quan kiến trúc. Ở góc độ quản lý nhà nước, đặc biệt các sở ngành nên cung cấp, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ tư nhân tham gia công tác bảo tồn. Song song đó nên có những giải thưởng kiến trúc di sản nhằm vinh danh các nỗ lực bảo tồn.
Tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP HCM yêu cầu, UBND thành phố sớm có chính sách bảo tồn phù hợp từng loại công trình. Tăng cường rà soát đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Công tác bảo tồn này phải gắn liền với quyền lợi của chủ sở hữu, không để tình trạng phá bỏ, sữa chữa không đúng quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, UBND thành phố nên quan tâm, chỉ đạo các sở ngành, quận - huyện tăng cường hơn nữa đối với công tác quản lý nhà nước về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị. Đặc biệt là bảo vệ di tích không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chiếm dụng để buôn bán gây mất an ninh trật tự ở các điểm di tích.