Ngày 10/11, HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Lắng nghe và trao đổi” tháng 11, chủ đề “Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình - thực trạng và giải pháp”.
Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần chính sách thiết thực hơn để các đơn vị thu gom, vận chuyển rác chuyển đổi phương tiện theo hướng hiện đại.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho hay, chuyển đổi phương tiện chỉ mới đạt khoảng 6%. Nghĩa là, mới có chuyển trên 100/1.700 phương tiện được đổi mới, đã đưa ra 18 mẫu nhưng có những mẫu chưa đạt so với địa hình vì hẻm nhỏ, và sẽ giới thiệu một số mẫu để quận/huyện tự lựa chọn. Lý giải thêm về mẫu xe thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt của các hộ dân, ông Thắng nhấn mạnh, mẫu xe chuyển đổi chỉ áp tiêu chí kỹ thuật, còn kiểu cách như thế nào thì quận/huyện tự quyết, do mỗi quận/huyện có đặc thù riêng, không thể áp dụng xe vận chuyển rác ở quận 4 cho các nơi khác.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ vay vốn đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp, HTX thu gom, vận chuyển rác, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, Quỹ Bảo vệ môi trường của thành phố đã hết, Chủ tịch UBND TP HCM cho cấp thêm. “Theo tôi được biết, ngoài việc cấp thêm nguồn vốn cho vay đầu tư, chính sách cũng có thay đổi đáng kể. Đơn cử, thời gian cho vay từ 5 năm lên 7 năm. Riêng giá trị cho vay là 70% nhưng đang đề xuất 80% để việc đầu tư ban đầu của doanh nghiệp, HTX nhẹ nhàng hơn”- ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng về vấn đề này, mới đây ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, giai đoạn 2020-2021, 100% các quận nội thành và khuyến khích một số huyện ngoại thành hoàn tất việc sắp xếp lại đường dây thu gom rác dân lập nhằm tránh đầu tư lãng phí nhiều thùng rác. Triển khai chuyển đổi theo hình thức cuốn chiếu, đảm bảo hoàn tất trong một năm tiếp theo. Giai đoạn 2022-2025, các huyện ngoại thành còn lại phải chuyển đổi phương tiện để đảm bảo hoàn tất công tác này theo yêu cầu của thành phố.