TP Hồ Chí Minh: Kiểm soát chặt nguồn lợn thịt vào chợ, siêu thị

Thanh Giang 08/05/2019 08:00

Ngay sau khi 2 huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai công bố dịch tả lợn châu Phi, chính quyền TP HCM đã lên kế hoạch phối hợp, siết chặt công tác kiểm soát nguồn lợn vào thành phố tại các cửa ngõ.

TP Hồ Chí Minh: Kiểm soát chặt nguồn lợn thịt vào chợ, siêu thị

Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn heo vào thành phố.

Đồng Nai công bố dịch tả lợn châu Phi

Sau một thời gian phòng chống với dịch tả lợn châu Phi, mới đây 2 huyện của tỉnh Đồng Nai đã tiến hành công bố dịch. Theo đó, UBND huyện Nhơn Trạch công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Phước Thiển, cùng các xã giáp ranh như: Xã Hiệp Phước và xã Phú Hội. Trước đó, lực lượng chức năng phát hiện đàn lợn của 2 hộ dân có dấu hiệu nhiễm dịch tả lợn châu Phi, trong đó một hộ chăn nuôi có tổng đàn 26 con ở xã Phước Thiển và một hộ nuôi 3 con lợn nái ở xã Hiệp Phước. Nhằm đảm bảo công tác giám sát hiệu quả và ngăn chặn không cho lây lan trên diện rộng, huyện Nhơn Trạch tiếp tục giám sát các xã còn lại.

Mới đây nhất, ngày 4/5, UBND huyện Trảng Bom đã ra quyết định công bố dịch đối với dịch tả lợn châu Phi tại ấp Tân Đạt, xã Đồi 61. Ghi nhận, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại xã Đồi 61 với tổng đàn 268 con. Nguyên nhân gây bệnh là do hộ này có sử dụng giống của một hộ chăn nuôi lợn ở xã Bình Minh với tổng đàn gần 500 con. Mong muốn kiểm soát dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, đại diện huyện Trảng Bom cho biết, sẽ khoanh vùng để theo dõi và giám sát chặt trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch, gồm xã Đồi 61 và một phần xã Tây Hòa. Ngoài vùng có nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi nêu trên, huyện Trảng Bom còn tổ chức giám sát các xã và thị trấn còn lại.

Chủ một trang trai chăn nuôi lợn ở Đồng Nai cho hay: “Sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở phía Bắc, các trang trại và hộ chăn nuôi cá thể trên địa bàn luôn trong tâm trạng thấp thỏm lo lắng. Tuy nhiên, các hộ vẫn chủ động công tác phòng dịch bằng cách thường xuyên phun thuốc và kết hợp với giải vôi để khử trùng. Hiện chúng tôi rất lo khi dịch tả lợn châu Phi xuất đã xuất hiện. Tôi đang cố gắng giữ sạch đàn lợn của trang trại đang ở thời điểm gần xuất chuồng. Trường hợp, dịch lan rộng và lợn nhiễm bệnh thì thất thu lớn”.

Nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào tỉnh, những ngày qua các cơ quan chức năng hữu quan tại tỉnh Đồng Nai lập các chốt kiểm dịch 24/24 đối với những tuyến đường giáp ranh với 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tỉnh này có đàn lợn lớn nhất cả nước với tổng đàn hơn 2,5 triệu con. Trong đó, đa phần là nuôi trang trại, phần còn lại là chăn nuôi hộ gia đình.

Tăng cường kiểm dịch

Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi bắt đầu thâm nhập vào khu vực phía Nam, cụ thể là tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM khẳng định, thành phố chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng nguy cơ lây nhiễm rất cao. TP HCM đang phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y và Chăn nuôi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang… để kiểm dịch nguồn lợn sống và sản phẩm thịt lợn nhập về thành phố tiêu thụ. Đơn cử, với tỉnh Đồng Nai, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố đã có buổi làm việc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai để thống nhất biện pháp phối hợp trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Theo kế hoạch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hai tỉnh thành phối hợp kiểm soát nguồn heo nhập về thành phố giết mổ đảm bảo đúng quy định. Thống nhất sử dụng tuyến đường quốc lộ 1A và 1K để vận chuyển lợn từ Đồng Nai về TP HCM giết mổ. Trong quá trình vận chuyển sẽ tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, Xuân Hiệp. Không cấp giấy kiểm dịch xuất sản phẩm thịt lợn từ các cơ sở giết mổ thuộc vùng dịch.

Ngoài phối hợp với các tỉnh lân cận kiểm soát chặt nguồn lợn thịt vào thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM còn làm việc với đoàn liên ngành của thống nhất tăng tần suất kiểm tra liên ngành 24/24 tại khu vực tuyến Cao tốc Long Thành – Dầu Giây – TP HCM. Đối với quận – huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố chỉ đạo thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời. Đơn cử, quận 12 thành lập chốt kiểm dịch tạm thời khu vực cầu Phú Long giáp ranh với Bình Dương. Huyện Củ Chi, thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời. Thứ nhất là chốt kiểm dịch tại khu vực cầu Bến Súc, cầu Phú Cường giáp ranh với tỉnh Bình Dương. Thứ hai, kiểm tra khu vực cầu Tân Thái giáp ranh với Long An cùng các tuyến đường giáp ranh với Tây Ninh. Song song với các hoạt động nêu trên, tăng cường công tác tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi, cơ sở giết mổ, các phương tiện vận chuyển. Phối hợp với UBND quận huyện tăng cường kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh giết mổ trái phép. Hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học, phát thuốc cho hộ có nguy cơ cao vì dùng thức ăn thừa. Quận - huyện nào cần hỗ trợ thêm thuốc sát trùng, trạm kiểm dịch thì đăng ký để kiến nghị với thành phố.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ thâm nhập TP HCM, ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho rằng, thành phố chưa phát hiện dịch nhưng nguy cơ nhiễm dịch bệnh không hề nhỏ. Ông Trung giải thích, hiện nay vẫn có một lượng lợn thịt vận chuyển từ miền Trung đi thẳng vào Tây Nam Bộ (không vào TPHCM), ước khoảng 1.300 – 1.500 con. Mặc dù, số lợn trên không vào TP HCM nhưng thành phố vẫn lo sợ vào miền Tây rồi lại đi vòng lên thành phố. Sợ nhất là lượng lợn trên tuồn vào các lò mổ trái phép rồi đưa ra thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Kiểm soát chặt nguồn lợn thịt vào chợ, siêu thị