Sở Xây dựng TP HCM công bố số liệu gây sốc khi trong 10 năm qua trên địa bàn thành phố có ít nhất 40 kênh, rạch; hàng trăm cống và cửa xả bị lấn chiếm và gần như bị xóa sổ hoàn toàn...
TP HCM đang có chiến dịch vận động người dân, cá nhân, tổ chức không xả rác bức tử kênh rạch. Ảnh: Hồng Phúc.
Kênh rạch bị bức tử
Theo ghi nhận của chúng tôi Q.2, 9 và Thủ Đức, Q.Bình Thạnh, Q.7 và một phần giáp ranh với huyện Nhà Bè đang có tốc độ xây dựng không phép trên hành lang kênh rạch phức tạp nhất. Chỉ dài chưa đầy 800 m, tuyến rạch Bùi Hữu Nghĩa (phường 1, Q.Bình Thạnh) lâu nay được người dân địa phương ví là “con rạch rác” của quận này. Không chỉ bị lấn chiếm, tình trạng tắc nghẽn dòng chảy và ô nhiễm môi trường đã gây nhiều bất cập và khó khăn cho các khu vực dân cư xung quanh hành lang của rạch. Nhiều hộ dân phản ánh, việc ách tắc khiến ngập úng cục bộ vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là vào cuối tháng khi triều cường đạt đỉnh. Từ năm 2016, UBND TP HCM đã có chủ trương giao cho UBND Q.Bình Thạnh trong việc thực hiện dự án cải tạo rạch Bùi Hữu Nghĩa, thế nhưng theo người dân thì chủ trương dù đã có nhưng kết quả chưa đem lại sự an tâm cho người dân, khi vẫn phải sống chung với ô nhiễm vào mùa mưa hàng năm.
Mỗi ngày, các công nhân vệ sinh môi trường của TP HCM thực hiện thu gom khoảng 2 tấn rác được vớt lên từ rạch Bùi Hữu Nghĩa. Theo ông Phạm Ngọc Hải, Đội trưởng Đội vớt rác thuộc Công ty Môi trường đô thị TP HCM, không chỉ đối diện với nguy cơ bức tử từ rác thì nhiều nhà dân lấn chiếm không phép hành lang rạch Bùi Hữu Nghĩa có nguy cơ bị sạt lở rất cao, và sẽ bị sập đổ bất cứ lúc nào, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của những hộ dân này. Tình trạng rác ứ đọng cũng đang khiến con rạch này bị bức tử, thu hẹp dòng chảy, đồng thời gây mùi hôi thối, ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân tại khu vực phường 1, Q.Bình Thạnh.
Cách đó không xa, tại rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh) đang bị nhiều nhà xây không phép lấn chiếm, cơi nới, san lấp mỗi ngày. Đây là con rạch hiếm hoi của thành phố, từng được biết đến như là con rạch có độ sâu vào bậc nhất của khu vực Q.Bình Thạnh, thế nhưng đến nay đang bị bức tử và co hẹp dòng chảy hoàn toàn. Trước tình trạng này, UBND TP HCM có chủ trương thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm (gọi tắt là dự án rạch Xuyên Tâm) tại đây. Thế nhưng, cũng như dự án cải tạo rạch Bùi Hữu Nghĩa thì dự án này cũng dây dưa nhiều năm qua và có tiến độ rất chậm chạp, bị nhắc nhở nhiều lần, chủ đầu tư kêu vướng bởi nhiều lý do. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại các dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực Quốc lộ 13 - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm; hay dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa đoạn 2,3,4;…
Lý giải về các nguyên nhân khiến kênh rạch trên địa bàn thành phố đang dần biến mất, ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó do tác động trực tiếp từ quá trình tự nhiên, nhất là ảnh hưởng của các đợt triều cường gây sạt lở; kế đến là các hộ dân sống gần kênh rạch khi xin cấp phép xây dựng một đằng nhưng trong quá trình xây dựng công trình đã tự ý san lấp, lấn chiếm. Cũng theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM, hiện nay quá trình phối hợp giữa 6 cơ quan được UBND TP giao trách nhiệm trong quản lý kênh, rạch cũng còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ. Do đó, để tăng trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng lấn chiếm, san lấp kênh rạch thì Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo Chủ tịch UBND 24 quận, huyện thực hiện rà soát, thống kê, kiểm tra và xử lý quyết liệt.
Dự án lấp kênh rạch phải tháo dỡ hết
Tại một số dự án bất động sản, nhà ở, biệt thự lập barie chặn đường ra sông, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, quan điểm của TP HCM là sẽ tháo dỡ hết các công trình nếu phát hiện sai phạm. Theo ông Hoan, có môt số dự án lấn chiếm sông rạch từ hơn 10 - 15 năm, trong đó có công trình rào chắn, lấn chiếm hành lang bảo vệ đường sông. Sau này khi có quy định cụ thể, thành phố chủ trương xử lý quyết liệt, trong đó các dự án xâm phạm hành lang kênh rạch sẽ buộc phải tuân thủ quy định, nếu không buộc phải tháo dỡ.
Hiện nay trên địa bàn TP HCM có khoảng 900km tổng chiều dài của hệ thống kênh rạch, với dòng chảy đan xen, chằng chịt, cùng với tình trạng lấn chiếm phức tạp gây nhiều khó khăn đối với công tác quản lý nhà nước của thành phố. Ngoài xử lý hành chính về tình trạng “bức tử” kênh rạch thì hiện một mối lo khác cũng khiến cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt “đau đầu” xử lý. Đó là tình trạng các kênh rạch đang phải tiếp nhận khoảng 300.000 tấn rác thải xuống sông, kênh rạch, cùng với quá trình bồi lắng tự nhiên, tác động từ các đợt triều cường hàng năm, khiến nguy cơ kênh rạch TP HCM bị lấp dần, thậm chí có nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Liên quan đến một số dự án lấn chiếm hành lang bảo vệ sông tại khu vực phường Thảo Điền (Q.2) và một số quận lân cận, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận này và các Sở ngành liên quan rà soát, kiểm tra báo cáo từng trường hợp. Chủ trương của thành phố là thực hiện nghiêm việc giải tỏa nhà trên kênh rạch để chỉnh trang đô thị.