Các dự án “treo” ở khu vực phía Tây Bắc của TP Hồ Chí Minh (gồm huyện Củ Chi và Hóc Môn) kéo dài nhiều năm không chỉ ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân mà còn gây lãng phí tài nguyên đất đai và mất cơ hội phát triển của các dự án khác.
Vừa qua, khi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi (TPHCM), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự đồng tình trước những búc xúc của người dân ở khu vực này vì tình trạng các dự án quy hoạch treo nhiều năm không triển khai. Hậu quả là người dân gặp khó vì thiếu đất ở, không xây dựng sửa chữa nhà trong vùng dự án nhưng doanh nghiệp cũng không tiến hành thực hiện các dự án. Trước đó, cùng với huyện Hóc Môn, khu vực phía Tây Bắc TPHCM được coi là vùng đất quy hoạch “treo” vì có hàng chục dự án nhưng nhiều năm chưa thực hiện.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khoảng 20 năm gần đây, khu vực Tây Bắc của TPHCM có rất nhiều dự án tầm cỡ, thậm chí là rất lớn với nhiều kỳ vọng. Như Dự án Khu đô thị Tây Bắc được hình thành gần 20 năm, có quy mô 6.000ha với những mô hình như đô thị, đô thị vệ tinh, khu thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, hệ thống cầu đường... rất hoành tráng. Tuy nhiên tới nay, Khu đô thị Tây Bắc vẫn nằm trên giấy, chưa triển khai vì không có doanh nghiệp đầu tư. Trong khi đó hàng nghìn hộ dân đang sinh sống trong vùng dự án đã bị ảnh hưởng suốt nhiều năm dài vì không thể thực hiện các thủ tục xây dựng, chuyển đổi, mua bán nhà đất một cách bình thường. TPHCM cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm quy mô Khu đô thị Tây Bắc xuống còn gần 1/3 so với diện tích ban đầu nhằm gỡ vướng, giúp người dân xây dựng, sửa chữa nhà để sinh sống.
Nằm ở gần đó, và cũng có lịch sử “treo” hàng chục năm trời là khu đô thị An Phú Hưng (huyện Hóc Môn). Năm 2004, Dự án khu đô thị An Phú Hưng với quy mô 700ha cùng kỳ vọng trở thành một “Phú Mỹ Hưng thứ 2” được phê duyệt, giao cho nhà đầu tư. Tuy nhiên sau đó nhà đầu tư không thực hiện được dự án vì nhiều lý do và cuối cùng, TPHCM đã quyết định bỏ quy hoạch dự án trên ít năm trước.
Ngoài ra, khu vực Tây Bắc TPHCM còn được cấp phép một số dự án có quy mô rất lớn như Đại học quốc tế rộng 924ha ở huyện Hóc Môn hay Công viên Sài Gòn Safari rộng 457ha ở huyện Củ Chi. Bên cạnh đó, một số khu công nghiệp cũng từng được cấp phép nhưng hàng chục năm không triển khai như khu công nghiệp Bàu Đưng, Phước Hiệp ở huyện Củ Chi, Xuân Thới Thượng ở huyện Hóc Môn... với diện tích hàng trăm héc ta. Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng đường, cầu như Vành đai 3, 4 hay cao tốc TPHCM-Mộc Bài, metro số 2 nối dài, quốc lộ N2... cũng có quy mô diện tích hàng trăm héc ta cũng chưa triển khai.
Theo nhiều ý kiến, việc TPHCM quy hoạch khu vực ngoại thành phía Tây Bắc thành các khu đô thị, khu công viên, công nghiệp, đường sá... là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên vì nhiều lý do, các khu quy hoạch này không thực hiện được sau hàng chục năm chuẩn bị khiến cuộc sống người dân vùng dự án gặp khó khăn.
Nói về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện TPHCM đang gấp rút rà soát lại các quy hoạch, gồm cả khu vực Tây Bắc thành phố. Thời gian tới, lãnh đạo TPHCM và địa phương cấp huyện sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư, đơn vị được giao triển khai dự án để quyết định giữ hay bỏ cho phù hợp với tình hình thực tế. Bởi sau nhiều năm, một số dự án quy hoạch đã không còn phù hợp thực tế, không đáp ứng được nhu cầu tương lai sẽ cần phải thay thế bằng các quy hoạch khác phù hợp hơn.
Có thể nói, với những dự án có diện tích và quy mô lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân thì việc lập quy hoạch là điều cần thiết. Tuy nhiên, đảm bảo thực hiện quy hoạch đúng kế hoạch cũng vô cùng quan trọng. Thậm chí TPHCM cần có chế tài với các doanh nghiệp nhận thực hiện quy hoạch, để người dân không phải tiếp tục sống thấp thỏm trong các dự án “treo” và thành phố cũng không phải rà soát, thay đổi hay phá bỏ các quy hoạch này.