TP Hồ Chí Minh: Tập trung nguồn lực, gỡ điểm nghẽn thủ tục hành chính

V.PHONG 19/06/2022 07:49

Ngày 18/6, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM  tổ chức chương trình Cafe doanh nhân lần thứ 63 với chủ đề “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp giai đoạn phục hồi kinh tế”.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp. Ảnh: H.H.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) Nguyễn Phước Hưng , hiện nay, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, doanh nghiệp cần vốn để khôi phục lại các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, đào tạo, tuyển dụng lại lao động mới, sửa sang lại nhà xưởng, đổi mới máy móc thiết bị sản xuất... Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh trong thời gian qua nhưng để tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn.

Do đó, để 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tiếp cận được gói tín dụng tốt nhất giúp tái đầu tư sản xuất phục hồi phát triển, HUBA kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách giúp doanh nghiệp.

Tương tự, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP HCM cho rằng, doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do nguyên liệu đầu vào để sản xuất kinh doanh đang tăng 20-30%, có loại vượt 40%. Do đó, kiến nghị các ngân hàng nên đánh giá lại tài sản là bất động sản đang thế chấp để tăng nguồn vốn vay…

Theo bà Chi, hiện nay các doanh nghiệp ở Mỹ, Châu Âu, các thị trường khó tính đặt đơn hàng thực phẩm ăn liền, đồ uống, bún, miến, mì ăn liền… nhiều đến mức doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng. Vì giá thay đổi quá nhanh, nếu doanh nghiệp kí hợp đồng lớn sẽ không điều chỉnh được. Tiền không có, không đủ vốn dự trữ.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính Tiền tệ quốc gia cho rằng, lạm phát đang là nỗi ám ảnh. Điều này đã tác động nhất định trong việc thắt chặt tín dụng, thậm chí có đề xuất tăng lãi suất, giảm đầu tư..., đi ngược với nội dung Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Lịch, nếu phân tích kỹ chỉ số CPI, hiện nay lạm phát ở Việt Nam chịu tác động chính bởi giá nhiên liệu và phần nào giá thực phẩm tăng cao. Xét về lạm phát cơ bản thì chỉ tăng 1,1% trong 5 tháng đầu năm nay, có nghĩa nguy cơ lạm phát gia tăng từ vấn đề tiền tệ không phải là lớn.

Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới phải tuân thủ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

“Chính sách lớn nhất hiện nay không phải là giảm lãi suất hay đẩy mạnh đầu tư công mà phải “uốn nắn” dòng vốn trên thị trường đi đúng hướng gắn với nội dung phục hồi kinh tế. Kiên trì được điều này vừa phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát. Nếu để kinh tế trì trệ, doanh nghiệp không làm ăn được thì cũng không chống được lạm phát. Khi đó nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng “bệnh nặng” vừa lạm phát, vừa trì trệ”, TS Trần Du Lịch lưu ý, đồng thời cho rằng, chính quyền TP HCM cần tập trung nguồn lực để tháo gỡ các điểm nghẽn liên quan đến thủ tục hành chính. Thực tế hiện nay có tiền không giải ngân được do vướng mắc thủ tục hành chính, chứ không phải thiếu vốn. Qua đó, ngân sách không giải ngân được, doanh nghiệp tư nhân có tiền cũng không biết đổ về đâu vì dự án còn ách tắc.

Trả lời những vấn đề đại diện doanh nghiệp đặt ra, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, từ đầu năm đến nay đã triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp với hơn 90.000 tỷ đồng lãi suất thấp. “Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, TP HCM đang triển khai xây dựng, tập huấn, tư vấn cho khách hàng, nếu doanh nghiệp có nhu cầu mà đúng đối tượng, quy định sẽ được hưởng.

Trường hợp, doanh nghiệp bị “làm khó” liên hệ với ngân hàng nhà nước để được tiếp nhận, giải quyết tháo gỡ. Riêng vấn đề tài sản thế chấp là bất động sản, ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại rà soát các kiến nghị và thực hiện nếu đủ điều kiện, đúng luật”, ông Lệnh nói.

Chia sẻ tại chương trình, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã giúp TP HCM nói riêng và cả nước nói chung vượt qua đại dịch Covid-19, chung tay đưa nền kinh tế dần phục hồi mạnh mẽ trở lại.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM , sau khi mở cửa kinh tế phục hồi, doanh nghiệp phục hồi nhưng có 3 điểm chính quyền thành phố phải tập trung hơn. Thứ nhất là vốn, trong 6 tháng đầu năm các ngân hàng trên địa bàn đã ngồi lại với doanh nghiệp để tìm cách cho dòng tín dụng chảy nhanh hơn. Thứ hai, lao động đang là vấn đề khó khăn, một số ngành nghề suy giảm lao động trong đó có những ngành giảm đến trên 20%.

Trong vấn đề này có điểm tích cực là ngành lương thực, thực phẩm giảm lao động nhờ doanh ngiệp chuẩn hóa quy trình, dây chuyền, áp dụng công nghệ mới.

Thứ ba, thành phố đang nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia vào chuyển đổi số. TP HCM cũng tập trung tháo gỡ thật nhanh những vướng mắc về cơ chế, thủ tục của các dự án để đưa đồng vốn lưu thông vào trong hoạt động sản xuất.

Đồng thời, luôn tiếp thu ý kiến, hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp vào trong quá trình xây dựng chính sách, điều hành của TP HCM thông qua việc tham gia các cuộc họp quý, tháng, chuyên đề vì sự phát triển của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Tập trung nguồn lực, gỡ điểm nghẽn thủ tục hành chính