TP Hồ Chí Minh trợ giá để phát triển vận tải hành khách công cộng

Thanh Giang 11/12/2015 08:23

Giám đốc Sở GTVT TP HCM đề nghị phát triển hạ tầng, phương án trợ giá hiệu quả, sử dụng hệ thống công nghệ… để thu hút người dân tham gia vận tải hành khách công cộng. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng sẽ xem xét lại trợ giá vì đây là phương án đúng đắn và cần thiết.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho rằng, cơ chế
đang có những bất cập cản trở công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: S.Xanh.

Vận tải hành khách công cộng thiếu sức hút vì yếu kém về cơ sở hạ tầng, thực phẩm bẩn bày bán tràn lan gây lo ngại cho người sử dụng. Đó là những vấn đề bức xúc mà đại biểu HĐND TP. HCM chất vấn các Sở ngành trong ngày làm việc thứ 3 (ngày 10/12).

Lo phá sản kế hoạch phát triển hệ thống xe công cộng

Nhiều đại biểu nêu quan điểm, kế hoạch phát triển giao thông vận tải hành khách công cộng có nguy cơ phá sản khi lượng khách sụt giảm trầm trọng.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng năm 2015 ước đạt 564,74 triệu lượt, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, khối lượng xe buýt đạt 323,89 triệu lượt, giảm 11,7%; xe buýt có trợ giá lượng hành khách giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2014. “Lực hút” của xe buýt đối với hành khách giảm hẳn thể hiện rõ qua giá trị trợ giá liên tục giảm trong nhiều năm qua. Năm 2013, trợ giá xe buýt là 1.882 tỷ đồng, năm 2014 là 1.244 tỷ đồng nhưng đến năm 2015 thì chỉ dao động ở mức 900 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân trên ông Bùi Văn Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM khẳng định, ùn tắc liên tục làm tăng thời gian giao thông nên vận tải hành khách công cộng không đáp ứng được yêu cầu. Kết quả, người dân sau một thời gian sử dụng xe buýt lại chuyển sang dùng xe cá nhân. Chưa hết, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố còn đưa ra hàng loạt nguyên nhân khác nhau như: Chỉ tiêu đất đô thị thấp chỉ ở mức 8%, trong khi một số nước áp dụng chỉ tiêu này ở mức 20 – 30%.

Thứ hai, hạ tầng phục vụ xe bus yếu kém vì bến bãi nhỏ, mặt đường hẹp. Hiện diện tích sử dụng cho bến bãi xe buýt chỉ được 13,7%. Diện tích bến bãi nhỏ nên không có chỗ đậu xe, phân luồng làm ảnh hưởng đến thời gian lưu thông. “Muốn vận tải hành khách công công thu hút người dân tham gia cần phải có sự thay đổi mang tính tổng thể. Đơn cử, phát triển hạ tầng, phương án trợ giá hiệu quả, sử dụng hệ thống công nghệ…”, ông Bùi Văn Cường nói.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng sẽ xem xét lại trợ giá vì đây là phương án đúng đắn và cần thiết.

Lo thực phẩm “bẩn”

Mở đầu nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Phạm Hưng Út cho rằng, nghe Sở Công thương mới công bố một loạt điểm bán thực phẩm an toàn người dân có phần yên tâm hơn song thực phẩm an toàn không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận. Chợ truyền thống và các khu công nghiệp đang ở tình trạng báo động về thực phẩm bẩn. Đại biểu Từ Minh Thiện băn khoăn, an toàn thực phẩm liên quan đến 3 Sở: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương. Sở nào cũng có biện pháp chặt chẽ nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn tràn lan!

Trả lời những thắc mắc của đại biểu về thực phẩm bẩn, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, thành phố còn gần 200 siêu thị, 37 trung tâm thương mai, 705 cửa hàng tiện ích cùng nhiều doanh nghiệp cung cấp thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Sở Công thương thực hiện liên kết cung – cầu hàng hóa với các tỉnh Đông – Tây Nam bộ nhằm tạo ra nguồn hàng phong phú, chất lượng.

Theo ông Lê Văn Khoa, sở không chỉ siết chặt khâu kiểm tra nhanh hàng hóa tại nơi phân phối mà còn kiểm soát chặt chất lượng thực phẩm tại đầu nguồn sản xuất. Chịu trách nhiệm chung về quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cơ chế bất cập đang là nguyên nhân lớn nhất cản trở công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ví dụ, vấn đề liên quan chất cấm trong chăn nuôi thì theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình kiểm tra ở lò mổ nếu phát hiện có thể giữ lại cho đến khi thải ra hết. Điều này hết sức nguy hiểm vì không cho tiêu hủy những gia súc này có thể phát dịch. Theo ông Trung, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường tần suất và quy mô lấy mẫu ở các khu vực sản xuất kinh doanh. Trường hợp test nhanh nếu phát hiện thực phẩm không an toàn sẽ không cho thực phẩm vào chợ.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước liên tục và kéo dài tại thành phố. Nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu. Đơn cử, trước đây đỉnh triều chỉ ở mức dưới 1,5 m nhưng 7 năm gần đây đỉnh triều vượt lên trên 1,5m. Cụ thể, trong năm 2011 – 2014 có 6 lần triều cường ở mức cao, thậm chí đỉnh triều đã lên đến 1,68m. Với mức này, 50% diện tích thành phố dưới mức đỉnh triều. Triều lên mà gặp mưa lớn thì càng phức tạp hơn. Nguyên nhân chủ quan là công tác quản lý công tác quản lý lỏng lẻo, nguồn lực yếu kém, thanh kiểm không đến nơi đến chốn nên nhiều nơi xây nhà trên hố ga, san lấp dòng chảy… Thành phố đang kêu gọi các nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống thoát nước thành phố trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh trợ giá để phát triển vận tải hành khách công cộng