Liên quan đến tình trạng hàng chục con khi hoang “đại náo”, giật đồ ăn ở các hộ dân thuộc khu phố 6, phường Thạnh Xuân, Quận 12, TPHCM trong thời gian dài, đại diện Chi cục kiểm lâm TP.HCM cho biết, phương án khả thi nhất là đưa đàn khỉ về Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi để cứu hộ, sau đó thả về rừng, môi trường tự nhiên của loài này.
Ngày 13/1, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng Kiểm lâm TP.HCM nhận định: Theo thông tin của các cơ quan báo chí đăng tải mấy ngày gần đây thì nguồn gốc đàn khỉ này có thể là từ người dân nuôi. Ban đầu chỉ có 1 cặp, nhưng có thể cặp khỉ sổng chuồng, hoặc do người nuôi tự thả ra ngoài. Đây là khỉ đuôi dài, chúng sinh sản khá nhanh, nên chỉ cần vài năm, từ 1 cặp có thể lên cả chục con. Đàn khỉ này có lẽ là cha mẹ, con thậm chí là đã có thế hệ thứ 3.
Nói về hướng xử lý sắp tới, ông Lưu cho rằng: “Việc xử lý động vật hoang dã nói chung và đàn khỉ nói riêng phải tuân thủ theo điều 8 nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (quận) là người ra quyết định và chỉ đạo việc xử lý. Có thể bẫy, bắt, bắn gây mê, thậm chí tiêu diệt nếu cá thể động vật này gây nguy hiểm tính mạng người dân. Do đó, việc xử lý đàn khỉ nói trên thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND Quận 12, và Chủ tịch phường Thạnh Xuân. Chi cục Kiểm lâm chỉ phối hợp với địa phương chứ không phải là đơn vị quyết định”.
Theo ông Lưu, có thể áp dụng phương án xua đuổi, nếu không được thì tổ chức vây bắt, dụ bằng thức ăn. Nếu vẫn không được thì dùng biện pháp bắn gây mê, sau đó đưa về trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, đợi đàn khỉ ổn định sức khỏe sẽ thả vào rừng.
Trước đó, nhiều người dân ở tuyến đường TX13 và TX21 cho biết gia đình họ liên tục bị đàn khỉ hoang tấn công, giành giật đồ ăn. Đàn khỉ có khoảng từ 10-15 con, đi theo từng nhóm nhỏ leo trèo trên mái nhà, lan can, cột điện hay thậm chí cả trên đường vắng. Chúng tìm kiếm đồ ăn rồi quay trở lại khu vực bụi cây hoang phía bờ sông.
Cũng theo các hộ dân này, khu vực ven sông này trước kia rất hoang vắng um tùm kênh rạch nhưng gần đây thành phố cải tạo ven sông, xây đê bao và đường ven nên phải chặt bỏ cây cối. Đàn khỉ mất nơi trú ngụ cũng như khu vực tìm kiếm thức ăn nên chúng bắt đầu xuất hiện ở khu dân cư với mật độ thường xuyên hơn, gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống người dân.