Bộ phận không nhỏ người dân đang rất cần một thiết chế văn hóa tinh thần lành mạnh từ cơ sở, thay vì mượn bia rượu và chiếc loa kẹo kéo để giải trí vì không có sự lựa chọn nào khác.
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP Hồ Chí Minh (khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/7), bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đề nghị UBND TP chỉ đạo các cấp - ngành của TP xử lý triệt để nạn hát karaoke bằng loa thùng di động (còn gọi là loa kẹo kéo) ở khu dân cư.
Theo bà Châu, karaoke bằng loa thùng di động đã trở thành vấn nạn, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe mọi người và cũng là nguyên nhân của các vụ ẩu đả, xô xát; cần đưa nội dung không hát karaoke gây ồn ào vào hương ước, quy ước của từng khu phố, xóm, ấp để người dân cùng thực hiện.
Chia sẻ với đại biểu dự kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho biết, đây là lần thứ 3 đưa ra đề nghị chấn chỉnh việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo ở khu dân cư. Người đứng đầu tổ chức Mặt trận của TP HCM dẫn chứng vụ án mạng gần đây nhất xảy ra ở huyện Bình Chánh xuất phát từ việc xóm giềng nhắc nhở nhau giảm âm lượng loa thùng khi hát karaoke.
Chiều 14/4/2020, trong khi cả nước chấp hành chỉ thị giãn cách xã hội, không tập trung đông người để ngăn ngừa lây lan dịch Covid-19 thì Nguyễn Thanh Khoa (30 tuổi, quê tỉnh Bến Tre, tạm trú tại huyện Bình Chánh) cùng bạn bè tổ chức nhậu nhẹt, mở loa kẹo kéo hát karaoke gây ồn ào.
Ông Nguyễn Thanh Bình (50 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau là hàng xóm ở chung khu nhà trọ với Khoa) ra nhắc nhở, đã bị Khoa dùng dao đâm nhiều nhát gây tử vong.
Vấn nạn nêu ra tại kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh cũng đồng thời là vấn nạn chung của mọi địa phương trên cả nước từ hàng chục năm nay.
Đêm 30/4/2019, Lê Văn Quý (25 tuổi, quê ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), đã đâm chết ông Bùi Nguyễn Phúc Hùng (người cùng xóm trọ với Quý tại thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng, TP Nha Trang) vì ông này tổ chức nhậu nhẹt, hát karaoke quá to.
Trưa 28/2/2018, Nguyễn Viết Lộc (trú tại thôn Bình Tiến A, xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) xô xát với ông Nguyễn Công Thành (45 tuổi) do loa thùng karaoke nhà ông Thành mở quá to. Lộc sau đó đã cầm theo 2 con dao và 1 cái liềm sang đâm chết ông Nguyễn Minh Phước (50 tuổi), là người hàng xóm cùng hát karaoke ở nhà ông Thành.
Gần 24h đêm 11/10/2019 Hồ Vinh Minh Quang (38 tuổi trú ở số 16 Phạm Hồng Thái, TP Huế), sang yêu cầu Lê Viết Thiên Gia (33 tuổi, trú tại TP Huế) cùng nhóm thực khách đang hát tại nhà hàng W.Y (số 7 đường Phạm Hồng Thái) dừng hát karaoke vì đêm đã khuya. Dù được nhắc nhở nhưng nhóm thực khách vẫn tiếp tục hát hò với âm thanh lớn nên Hồ Vinh Minh Quang về nhà lấy dao quay lại đâm Lê Viết Thiên Gia tử vong tại chỗ, một người khác thương tích nặng.
Ngày 20/2/2019, Công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng), đã khởi tố nhóm thanh niên gồm Trần Văn Hải 29 tuổi, Trần Minh Dui 24 tuổi, Trần Minh Thuận 27 tuổi, Nguyễn Văn Lộc 30 tuổi (cùng trú ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) về hành vi chống người thi hành công vụ. Trước đó khoảng 22 giờ đêm tối 16/2/2019, nhóm thanh niên nói trên đã tấn công gây thương tích cho thiếu úy Nguyễn Quốc Huy (Công an phường Nại Hiên Đông) khi được thiếu úy Huy cùng tổ tuần tra đề nghị tắt loa karaoke, trả lại yên tĩnh cho người dân sống tại khu chung cư gần đó.
Đêm 4/4/2020, Trần Đăng Minh, Nguyễn Đắc Tùng (29 tuổi, trú tại Hà Nội) cùng nhóm thanh niên tụ tập hát hò karoke qua loa kẹo kéo tại một ngôi nhà trên tuyến đường Phú Diễn Bắc, quận Bắc Từ Liêm. Khi được công an địa phương đến nhắc nhở, nhóm của Minh, Tùng đã chống đối, hành hung một công an phường Phú Diễn.
Dẫn lại một số vụ án mạng, chống đối lực lượng thi hành công vụ để thấy rằng loa thùng karaoke di động ở khu dân cư không còn là vấn nạn mà trở thành đại dịch tra tấn kinh hoàng bằng âm thanh. Đại dịch karake bằng loa kẹo kéo lan tràn khắp thành thị đến thôn quê bởi bất cứ gia đình nghèo khó nào cũng có thể bỏ tiền ra sắm hoặc thuê giàn loa thùng kẹo kéo với mục đích hát hò trong khi nhậu. Karaoke là phương tiện phục vụ đời sống văn hóa tinh thần nhưng đã bị biến tấu một cách méo mó.
Thay vì hát karaoke trong phòng kín có cách âm; ở nhiều TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… karaoke kẹo kéo nở rộ ở các khu vực dân cư lao động nghèo, mặt bằng dân trí thấp. Ở các khu vực này, bất cứ ngày giờ nào trong ngày cũng dễ dàng gặp nhóm đàn ông, đàn bà, nam nữ thanh niên nhàn rỗi ngồi bên đống vỏ lon bia, dán vào màn hình điện thoại để hát các bài hát thân quen.
Vì mượn bia rượu làm chất xúc tác nên hầu như mọi ca sỹ karaoke tại khu dân cư đều có thể hát từ sáng đến chiều, từ chiều đến đêm khuya và cùng có chung cách hát là rống gào, hú hét.
Cuối mỗi bản nhạc, xóm giềng lại phải hai tay bưng chặt lấy tai bởi tiếng hò hét thúc gào…dô dô! Ở tổ dân phố hay xóm, ấp, chỉ cần một bàn nhậu vỉa hè có karaoke bằng loa thùng kẹo kéo là hàng chục, hàng trăm hộ dân phải bịt tai, hay tìm nơi khác lánh nạn.
Người dân cũng không thể nói chuyện với nhau, theo dõi tin tức thời sự hoặc các loại hình giải trí khác vì bị tiếng loa thùng mở hết cỡ lấn át.
Đề nghị của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đưa ra tại kỳ họp HĐND TP vừa diễn ra được dư luận đồng tình ủng hộ nhưng vẫn chưa có địa chỉ cuối cùng chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm vấn nạn karaoke bằng loa kẹo kéo.
Liên quan đến vấn nạn karaoke tra tấn tinh thần người dân ở các khu vực dân cư; từ vài năm trước, tại một cuộc họp báo, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã nêu câu hỏi với ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP này, tuy nhiên cũng chỉ nhận được câu trả lời đầy thiện chí là đề nghị mọi người cùng đưa ra sáng kiến…!
Khó khăn trong ngăn chặn đại dịch tra tấn kinh hoàng bằng âm thanh từ chiếc loa thùng karaoke ở khu dân cư còn cho thấy, bộ phận không nhỏ người dân đang rất cần một thiết chế văn hóa tinh thần lành mạnh từ cơ sở, thay vì mượn bia rượu và chiếc loa kẹo kéo để giải trí vì không có sự lựa chọn nào khác.