Hình ảnh người đàn ông chở một thi thể quấn chiếu bằng xe máy lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua khiến nhiều người xót xa. Vụ việc đau lòng diễn ra vào buổi trưa ngày 12/9 nhưng đến ngày 17/9 (5 ngày sau khi hình ảnh lan truyền) trong cuộc họp với lãnh đạo Bệnh viện Lao phổi Sơn La, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La mới yêu cầu bệnh viện này kiểm tra, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định.
Hình ảnh đầy ám ảnh, xót xa.
Chưa bàn đến trách nhiệm của bệnh viện, chỉ nhìn ở góc độ xã hội sẽ thấy đã và đang có gì đó bất ổn về lòng nhân và căn bệnh vô cảm trong đời sống cộng đồng.
Người đàn ông quấn chiếu thi thể em gái mình, đặt nằm ngang yên sau chiếc xe máy cũ chở về nhà (trên chặng đường dài gần 100 cây số) chắc chắn có nhiều người chứng kiến nhưng sao không có ai ra tay nghĩa hiệp, ngăn cản hay quyên góp tiền đủ thuê chuyến xe làm ấm lòng người phụ nữ nghèo, bất hạnh?
Những ai đã sống qua thời đạn bom ở miền Bắc khi đất nước còn chia cắt và cả những năm tháng đất nước đầy rẫy khó khăn của thời bao cấp, chắc sẽ không bao giờ quên hình ảnh người ốm được đưa đến bệnh viện bằng xe đạp. Ở những vùng xa xôi, mỗi khi ai đó bị ốm, người ta dùng võng làm thành cáng. Một đầu cáng buộc vào gác ba ga xe đạp, đầu kia buộc vào ghi đông chiếc xe đạp đi sau. Cái cáng bằng võng đong đưa giữa 2 chiếc xe đạp là phương tiện đưa người ốm, người trở dạ đến bệnh viện và cũng là phương tiện đưa người trút hơi thở cuối cùng từ bệnh viện về nhà.
Không thể so sánh việc đưa người ốm, người đã qua đời bằng xe đạp của những tháng ngày cách đây nửa thế kỷ với việc đặt người vừa trút hơi thở cuối cùng nằm ngang xe máy, chở từ bệnh viện về nhà của ngày hôm nay. Xe máy không thể là phương tiện để vận chuyển người quá cố nhưng chuyện khó tin này không chỉ diễn ra một lần ở tỉnh miền núi Sơn La.
Theo báo cáo của lãnh đạo Bệnh viện Lao phổi Sơn La với ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tại cuộc họp ngày 17/9, chỉ trong vòng 4 ngày của tháng 9/2016 đã có 2 trường hợp người tử vong được đưa từ bệnh viện này về nhà bằng xe máy.
Ngày 8/9 một người tên là L.V.S. (ở bản Nọong Mường, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai) nhập viện, qua đời vì lao phổi được gia đình dùng xe máy đưa về nhà. Ngày 12/9, chị L.T.P. (ở bản Ít B, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai) bị lao phổi nặng, khó qua khỏi nên người anh trai xin đưa về nhà vào buổi trưa cùng ngày. Người anh trai đã thuê xe máy chở chị P. từ bệnh viện lao phổi Sơn La về nhà ở bản Ít B, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai với giá 400.000 đồng cho chặng đường gần 100 cây số. Do chị L.T.P. tử vong dọc đường, người lái “xe ôm” từ chối chở tiếp nên người anh đã mua chiếu, cuốn thi thể em mình đặt nằm ngang yên xe máy tiếp tục đi nốt quãng đường còn lại về nhà (sau khi trả cho người lái xe ôm 150.000 đồng).
Dư luận cám ơn người chụp và đưa hình ảnh đầy ám ảnh, xót xa lên mạng nhưng dư luận cũng không khỏi quặn thắt trước sự dửng dưng, lạnh lùng đến vô cảm của một bộ phận dân cư trước diễn biến sự việc mang thân phận kiếp người.
Ở thời buổi hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, sự phổ dụng của điện thoại thông minh, bất cứ ai cũng có thể chụp, quay clip những gì mà họ bắt gặp trong đời sống thường nhật. Và chính những tiện ích công nghệ phục vụ con người tích hợp trong điện thoại di động như camera, máy ảnh, cùng phương tiện chuyển tải là mạng xã hội giờ đã không chỉ phản chiếu góc nhìn xã hội của mỗi cá nhân mà nó còn là minh chứng đáng báo động về sự dửng dưng, vô cảm trong đời sống cộng đồng.
Dư luận chưa quên câu chuyện một thanh niên chới với, sắp chìm giữa hồ nước ở trung tâm TP Đà Nẵng trong khi rất nhiều người đứng trên bờ dùng điện thoại để… quay lại. Hình ảnh thanh niên sắp chết đuối chỉ vài giờ sau đó, được tung lên mạng xã hội với nhiều lời bình phẩm, phân tích. Trong số hàng ngàn chia sẻ về clip quay cảnh người thanh niên ngoi ngóp giữa hồ nước, có không ít ý kiến “phân tích” lạnh lùng đến kinh ngạc về kỹ năng cứu người chết đuối. Nhiều ý kiến cho rằng không thể nhảy xuống cứu người thanh niên vì sẽ bị người này níu chặt làm chìm theo trong khoảnh khắc sinh tử. “Tỉnh táo” và vô cảm khiến đám đông hàng trăm người không có hành động gì khác hơn là đứng trên bờ… quay phim rồi về nhà tung lên mạng!
Gần đây nhất là clip người phụ nữ ở một tỉnh Tây Nguyên bị đám đông đánh ghen một cách dã man. Rất lạ lùng là khi người phụ nữ đơn độc bị một nhóm những người phụ nữ khác đánh đập, hành hạ thì “ai đó” đứng ngoài thong thả quay lại từng chi tiết vụ đánh ghen kéo dài hơn 40 phút, đưa lên trang cá nhân…
Có thể nói rằng ở thời buổi hiện nay không có điều gì là không thể tung lên mạng. Phản xạ chụp ảnh và quay phim nhằm mục đích đưa lên mạng tìm kiếm sự sẻ chia của cộng đồng đã trở thành phản xạ thường trực của nhiều thành phần, nhiều đối tượng trong xã hội. Phản xạ này đã vô tình tước đoạt phản xạ đầy nhân tính của con người là ngay lập tức cứu giúp đồng loại trong cơn nguy khốn. Sự xả thân vì đồng loại hình như đang bị lép vế trước những vô cảm trong cuộc sống đời thường. Hay cũng có thể nói khác đi, sự vô cảm, lạnh lùng đang lấn lướt bản năng sống tốt của mỗi con người.
Không có lý do gì để trách cứ người chụp bức ảnh đau lòng trên con đường dài hơn trăm cây số từ bệnh viện lao phổi Sơn La về bản Ít B, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai vào buổi trưa ngày 12/9 nhưng có gì đó cứ lợn gợn về lòng tốt của con người trước mỗi sự cố đau thương của đồng loại. Cũng không thể lên án người làm nghề “xe ôm” từ chối chở thi thể chị L.T.P. trên quãng đường còn lại về nhà với lý do “chỉ chở người ốm, không chở người chết” nhưng đang có gì đó lợn gợn về lòng nhân vốn thường trực trong bản năng của mỗi con người. Sau những hình ảnh đầy ám ảnh, xót xa về thân phận kiếp người trên là quá nhanh sự “chia sẻ” theo kiểu nhân lên sự lan truyền, là quá đông lời bình trách cứ, truy xét trách nhiệm mà thiếu đi sự sẻ chia, giúp đỡ của những con người.
Đất nước đã trải qua những thời kỳ đầy gian khó nhưng đầy ắp lòng nhân. Có lẽ nào, lòng nhân đã vơi cạn trong nhịp sống xã hội của ngày hôm nay? Lẽ nào, sự vô cảm đã trở thành thứ sản phẩm được coi là đương nhiên ở những chỗ đông người?