Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được coi là biện pháp giúp nâng cao năng lực hiệu quả nhằm khắc phục các khuyết điểm của cơ quan nhà nước trong hệ thống hành pháp khi quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát. Tuy nhiên, vấn đề hết sức quan trọng là hiệu quả của giám sát đến đâu?
Những công trình lớn cần có sự giám sát chặt chẽ.
Và, làm thế nào để các kết quả giám sát không rơi vào im lặng?
Thực ra, hiện nói về giám sát thì không chỉ có Quốc hội và Hội đồng nhân dân; mà nhiều tổ chức chính trị - xã hội giờ cũng bắt đầu làm công tác giám sát. Đặc biệt, kể từ sau khi Bộ Chính trị ra Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ngày 12/12/2013), từ đó đến nay, Mặt trận Tổ quốc và một số tổ chức thành viên đã cùng một số cơ quan của Chính phủ thực hiện các chương trình giám sát của mình. Bước đầu đã đem lại những kết quả nhất định.
Nhưng, dẫu sao, kết quả của những giám sát ấy, theo như Quyết định 217 thì sẽ: Gửi báo cáo kết quả giám sát bằng văn bản (văn bản phải được đóng dấu và có chữ ký của người có thẩm quyền) đến các cơ quan được quy định trong Quyết định; kiến nghị và theo dõi việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Nó khác với giám sát tối cao của Quốc hội.
Thực tế lâu nay, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vẫn làm công tác giám sát thường xuyên, liên tục. Nhưng hiệu quả đến đâu, hãy thử nghe các ĐBQH đánh giá. Bàn về việc làm sao để nâng cao năng lực và hiệu quả trong giám sát, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, giám sát của chúng ta dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung thì vẫn còn hình thức, còn “cưỡi ngựa xem hoa”.
Để minh chứng cho cái gọi là hình thức nêu trên ông Hùng đưa ra phân tích: Trong hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 10 việc thì có 5 việc là xem xét còn 4 việc là giám sát mà trong 4 việc giám sát đó cũng có xem xét. Như vậy là 9 việc xem xét, còn 1 là kiến nghị việc bỏ phiếu. Như vậy, hầu như giám sát chỉ là để xem xét. Trong việc giám sát của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng chủ yếu là xem xét và đặc biệt là xem xét các báo cáo, không có đề cập vấn đề nào xem xét thực tiễn. Mà với thực tế sống động hiện nay thì điều quan trọng là xem xét thực tiễn chứ nghe báo cáo không thì làm sao đánh giá đúng được!?
Chính vì vậy, theo ông Hùng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của giám sát thì giám sát phải có kiểm tra, đánh giá, kết luận thì giám sát mới chính xác. Bởi qua giám sát thực tế, có kiểm tra mới ra vấn đề. Nếu không kiểm tra thì sẽ khó kết luận chính xác, như thế có khi còn tiếp tay cho sai phạm.
Còn, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) thì lại đưa ra một khía cạnh khác, sau các cuộc giám sát cần ban hành nghị quyết mang tính bắt buộc thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tức là, “Báo cáo kết quả giám sát cần được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước cấp trên của chủ thể bị giám sát thì giám sát mới có hiệu lực hiệu quả”-ông Thụ bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm trên, nhưng ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị báo cáo giám sát phải nói rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và thời gian khắc phục các vấn đề báo cáo đặt ra. Vậy là, từ các cấp độ khác nhau, cách nói khác nhau; nhưng tựu trung, nhiều ĐBQH vẫn muốn “quả bóng” trách nhiệm không bị đá qua đá lại mà được đưa thẳng “vào lưới”. Điều hạn chế trong nhiều chương trình giám sát cũng chính là ở đây.
Thẳng thắn chỉ ra “thời gian qua giám sát vẫn nặng về nghe báo cáo nên khó mà thấy được khuyết điểm thực sự của vấn đề”, ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng Dự thảo Luật cần quy định về các phương thức giám sát. Các phương thức giám sát có thể là nghe báo cáo, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ việc và xem xét tại chỗ. Mà giám sát trên văn bản, nhất là với việc nổi cộm không thể (hoặc không nên) là hình thức áp dụng duy nhất.
Đơn giản là bởi, chả đơn vị, cá nhân nào khi báo cáo giải trình lại đưa ra một bản báo cáo không sạch đẹp; nói cách khác là đưa ra một bản báo cáo không có lợi cho mình. Vì thế, nếu chỉ dựa vào báo cáo mà thiếu đi nghiên cứu từ thực tiễn, e rằng, giám sát ấy vẫn còn một chiều. Và kết quả của nó sẽ khó đạt được như nhiều ĐBQH và cử tri kỳ vọng.
Đó là chưa kể nguyên tắc, mọi cuộc giám sát đều phải ban hành kết luận và cho phép bên giám sát được giải trình. Theo ông Đương, khi đã chấp nhận kết luận rồi thì buộc phải thi hành kết luận đó nếu không làm thì kỷ luật xử lý nghiêm. Sau khi giám sát phải có kết luận, kiến nghị, ra nghị quyết nêu rõ hiệu lực, thời hạn thực hiện và báo cáo, kiến nghị phải cụ thể rõ ràng chứ không chung chung và chịu trách nhiệm trước kết luận của mình.
Một hình thức giám sát nữa, rất thường gặp là chất vấn. Chất vấn chính là giám sát trực tiếp song theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lâu nay đại biểu vẫn chất vấn ngoài kỳ họp và phiên họp do đó cần có cơ chế trả lời kịp thời hơn. Theo quy định trả lời chất vấn là tại kỳ họp Quốc hội và tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng thực tế đầu kỳ họp đại biểu ghi phiếu chất vấn gửi đoàn thư ký tổng hợp để chuyển tới các đối tượng bị chất vấn.
“Trước phiên chất vấn người ta đều có văn bản trả lời nhưng Luật chưa thấy quy định vì vậy cần quy định trong 30 ngày phải trả lời chứ chờ đến kỳ họp và phiên họp là quá chậm”-ông Cương bày tỏ.
Nói như các ĐBQH thì rõ ràng, hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất tuy đã đi vào guồng nhưng vẫn còn thiếu một vài mắt xích; mà chính những mắt xích này đã khiến việc giám sát chưa đúng như kỳ vọng. Ấy là, quy trách nhiệm sau giám sát.