Trách nhiệm khi cổ phần hóa

Minh Thủy 30/03/2023 06:42

Ngày 28/3, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Theo đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra số 447 ngày 30/3/2018 và Kết luận thanh tra số 1412 ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên một số nội dung chưa được thực hiện dứt điểm.

Thông báo nêu rõ, việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) phải được giải quyết dứt điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2023.

Gần 6 năm trước, sáng 13/10/2017, tại Bộ VHTTDL, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố quyết định thanh tra về quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Khi đó, người phát ngôn của bộ này, ông Nguyễn Thái Bình, cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các tài liệu phục vụ việc thanh tra.

Nhưng trên thực tế những phát sinh từ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được ví như một bộ phim nhiều tập, với những nút thắt rất kịch tính. Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, một địa chỉ sáng chói về điện ảnh - văn hóa nước nhà đã thu hút sự chú ý đặc biệt của xã hội. Nhất là với những nghệ sĩ của Hãng.

Ngày 19/9/2017, Hãng phim truyện Việt Nam tổ chức một cuộc gặp gỡ với cán bộ, nhân viên trong công ty và báo giới. Cuộc họp trở thành một cuộc cãi vã.

Ngày 21/9, Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các nghệ sĩ tổ chức buổi họp mặt báo chí liên quan đến vấn đề bức xúc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ cho rằng việc cổ phần hóa “đã biến Hãng phim truyện Việt Nam thành cái chợ”; cho rằng Tổng Công ty vận tải thủy (VIVASO), nhà đầu tư chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam không hề có ý định phát triển ngành phim mà chỉ tìm cách trục lợi, kinh doanh trên mảnh đất "vàng" của hãng. Từ TPHCM, trong clip gửi tới cuộc họp tại Hà Nội, hai Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang và Thế Anh có những phát biểu đẫm nước mắt. Đáng chú ý khi đạo diễn Quốc Tuấn cho rằng một khu đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa; 7.000 m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỷ đồng, không bằng một căn biệt thự cao cấp.

Còn Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Vân thì nhấn mạnh các nghệ sĩ không phản đối cổ phần hoá, nhưng không thể hiểu nổi khi VIVASO chỉ với 32,5 tỷ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, nhà cổ đông chiến lược sau khi Hãng phim truyện Việt Nam trở thành công ty cổ phần. Trong khi đó, ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam theo giá trị trường (năm 2017) khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập.

Sau đó 1 tuần, ngày 29/9/2017, trong một cuộc họp giữa Tổng Công ty vận tải thủy (VIVASO) - nhà đầu tư chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam - với các nghệ sĩ, phát ngôn “đáp trả"của vị Chủ tịch hội đồng quản trị VIVASO đã gây phản ứng dữ dội.

Còn nhớ, sáng 12/10/2017, trong phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội lúc bấy giờ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đã nêu vấn đề về những lùm xùm trong việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Bà Ngân nói: “Tôi tự hỏi là ông chủ đầu tư có định làm phim hay không, hay ông ấy mua cổ phần hãng phim để làm cái khác? Hay mua xong hãng phim thì ông ấy đẩy những nghệ sĩ ra ngoài đường? Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là cần thiết, song cũng cần phải tính toán kỹ, không thể làm ào ào được. Không thể trong đấu giá cứ cao nhất là bán, cứ nhiều tiền là bán, mà nhiều thương hiệu đã có tên tuổi rồi, cổ phần hóa như thế là không được”.

Được biết, năm 2015, Bộ VHTTDL đã phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần. Ngày 29/12/2016, Bộ VHTTDL công bố đã chọn VIVASO là nhà đầu tư chiến lược. Doanh nghiệp này đã thanh toán số tiền gần 32,5 tỷ đồng để mua 65% vốn điều lệ của Hãng phim truyện Việt Nam.

Có thể thấy những góc khuất trong việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã kéo dài quá lâu, không thể không xử lý dứt điểm. Cũng không thể do thời gian đã lâu mà coi như chuyện đã rồi, càng không thể vì thế mà hợp thức hóa sai phạm nếu có. Đặc biệt quan trọng là phải làm rõ những cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trong “phi vụ” cổ phần hóa này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm khi cổ phần hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO