Mới đây, một vụ việc đáng tiếc xảy ra tại BVĐK huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) khiến gia đình bệnh nhân vô cùng bức xúc. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Cường, Phó Giám đốc BVĐK huyện Đức Thọ khi tiến hành rút ống sonde JJ sau tán sỏi thận đã làm rách và biến dạng đường niệu đạo của bệnh nhân khiến anh này phải mổ cấp cứu.
Trong bất cứ nghề nghiệp nào, việc xảy ra tai nạn nghề nghiệp là chuyện khó tránh khỏi. Song, điều đó không có nghĩa là những người trong nghề được phép “mặc nhiên” để xảy ra tai nạn, nhất là trong ngành y. Mỗi tai nạn nghề nghiệp đối với ngành y đồng nghĩa với bệnh nhân sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.
Vụ 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở tỉnh Hòa Bình tử vong do sự thiếu trách nhiệm của các y bác sĩ ở BVĐK tỉnh này chính là “gương tày liếp” cần được toàn ngành y tế soi chiếu, rút kinh nghiệm sâu sắc. Nếu không có sự vô trách nhiệm của nhân viên y tế ở đây, 9 mạng người đã không bị tước đoạt một cách oan uổng.
Hay như việc hiện có không ít cơ sở y tế tư nhân mở ra chỉ nhăm nhăm kiếm tiền, không cần biết sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm vì sự vô trách nhiệm của họ. Vì thế, không ít bệnh nhân có diễn tiến bệnh tình nặng lên, thậm chí vong mạng khi đi khám chữa bệnh tại các phòng khám tư nhân.
Mới đây thôi, một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân ở TP Hồ Chí Minh đã vô trách nhiệm với bệnh nhân đến mức quên gạc trong ngực một phụ nữ khiến chị này sau đó phải đi viện mổ cấp cứu. Đáng giận hơn, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ này lại hoạt động không phép mà vẫn ngang nhiên tồn tại trong một thời gian dài.
Nói vậy sẽ có ý kiến cho rằng, những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thì khó mà kiểm soát được, nên đừng đánh đồng với những y bác sĩ ở các bệnh viện công. Vâng, phải khẳng định ngay và luôn là hầu hết các y bác sĩ đều là những người có nhân cách sáng ngời, hết lòng vì bệnh nhân không quản ngại khó khăn vất vả.
Song, cũng không hẳn là chỉ có những người hành nghề y ở các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, nhất là những cơ sở không phép mới thiếu trách nhiệm. Có không ít các y bác sĩ ở bệnh viện công, thậm chí là những cơ sở y tế lớn của tỉnh, thành phố, hay cấp quốc gia vẫn chỉ mong ngóng nhận phong bì của bệnh nhân, thiếu trách nhiệm.
Ngoài trường hợp thiếu trách nhiệm như ở BVĐK tỉnh Hòa Bình khiến 9 bệnh nhân tử vong, hay như vụ Phó Giám đốc BVĐK huyện Đức Thọ làm rách niệu đạo của bệnh nhân, vẫn còn những trường hợp tương tự khác. Chẳng phải từng có vụ việc đáng tiếc xảy ra ở BVĐK TP Cần Thơ, thay vì mổ cắt thận trái thì cắt luôn cả hai quả thận của bệnh nhân đó sao?
Trong khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê hết những vụ việc đau lòng. Nhưng một lần nữa xin được khẳng định lại rằng, đó chỉ là những hiện tượng cá biệt. Còn thì hầu hết đội ngũ y bác sĩ tại các cơ sở y tế, dù là phòng khám tư nhân hay bệnh viện công đều nêu cao y đức, luôn hết lòng với bệnh nhân. Với họ, dù cuộc sống có khăn vất vả thế nào thì lời thề Hippocrates luôn ở trong tim.