Bên lề lễ trao giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XIV, năm 2019 – 2020, báo Đại Đoàn Kết đã ghi lại ý kiến, những suy nghĩ, tình cảm của những tác giả, nhóm tác giả đạt giải trong năm nay. Họ là những nhà báo lăn lộn với nghề, đặt niềm tin vào việc xây dựng khối đại đoàn kết, vào tương lai dân tộc.
Bà Nguyễn Đông Hoài, đại diện cho nhóm tác giả đạt giải đặc biệt (Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam):
Không trực tiếp tác nghiệp tại phòng cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng phóng viên đã theo chân các cán bộ Mặt trận các cấp đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để rà soát các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 ở khu dân cư cũng như tổ chức tuyên truyền để phòng chống dịch tới đông đảo bà con nhân dân.
Đặc biệt, trong những ngày cách ly xã hội cả ê kíp đã có mặt tại những điểm nóng như: Thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội); bệnh viện Bạch Mai, xóm chạy thận của huyện Thường Tín … để ghi lại hình ảnh những cán bộ Mặt trận trao tặng vật phẩm như khẩu trang, nước sát khuẩn, lương thực cho bà con để cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong giai đoạn này.
Qua những câu chuyện cụ thể trong loạt phóng sự đã giúp khán giả hiểu sâu sắc hơn về sức mạnh lòng dân và tình nghĩa đồng bào, về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về tính ưu việt, nhân văn của chế độ ta, về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam. Được nhận giải đặc biệt là sự vinh dự của nhóm làm phim và sự ghi nhận này cũng là động lực để chúng tôi, những người làm báo hình tiếp tục cố gắng để có những tác phẩm chất lượng hơn trong thời gian sắp tới.
Bà Lò Thị Hiếu, (bút danh Anh Hiếu) Phó trưởng Ban Thời sự, chính trị, Báo Công an nhân dân, đại diện nhóm tác giả đạt giải A:
Tác phẩm “Đượm nghĩa tình chương trình hỗ trợ nhà ở cho đồng bào nghèo Mường Nhé, Điện Biên của Bộ Công an” không chỉ là trí tuệ và tâm huyết của hai tác giả mà còn là trí tuệ của cả tập thể lãnh đạo Báo CAND, Cục Truyền thông CAND đã tập trung chỉ đạo, định hướng và biên tập, chỉnh sửa bài viết để có được sản phẩm hoàn chỉnh nhất xuất hiện trang trọng, dài kỳ trên mặt báo, đến tay bạn đọc. Có được niềm vui hôm nay, chúng tôi xin được trân trọng biết ơn tất cả những điều đó.
Là những phóng viên theo dõi địa bàn các tỉnh Tây Bắc nhiều năm, qua đi thực tế, chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn với nhân dân vùng Tây Bắc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn song vẫn rất kiên cường ngày đêm bám đất bám bản. Cùng với sự giúp đỡ của lực lượng Công an, Quân đội, các ban ngành đoàn thể như MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… họ chính là những “lô cốt” trong công tác giữ gìn an ninh trật tự vùng phên dậu của Tổ quốc.
Thực hiện mục tiêu Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, với tinh thần tương thân, tương ái, với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ cuối năm 2019 đến nay, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chủ trương xây nhà mới, sửa chữa nhà cho hơn 4.000 hộ nghèo và xây trường Dân tộc bán trú ở các địa bàn khó khăn bậc nhất của cả nước.
Qua đó, từng bước giúp đồng bào ổn định cuộc sống “an cư lạc nghiệp”, góp phần xây dựng Mường Nhé thành "điểm sáng" cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, trở thành "phên dậu", "thành trì" bảo vệ vững chắc biên cương, chủ quyền biên giới quốc gia khu vực phía Tây Bắc Tổ quốc.
Bà Phạm Minh Hòa, Trưởng phòng xã hội báo Điện tử VOV, đại diện cho nhóm tác giả đạt giải B:
Tác phẩm của chúng tôi là một loạt 5 bài viết về phòng chống dịch Covid-19. Chúng tôi đặt tên loạt bài là “Sự tận tâm, tử tế tạo ra chiến thắng kỳ diệu trong cuộc chiến chống Covid-19”. Trong cuộc chiến này có rất nhiều góc tiếp cận nhưng chúng tôi tiếp cận ở góc tận tâm, tử tế.
Với góc nhìn này, ngay từ trong đợt dịch thứ nhất cũng như trong đợt dịch thứ hai trong cuộc chiến chống Covid-19 ai cũng nhìn thấy nhưng chúng tôi chỉ là những người cóp nhặt, xâu chuỗi và hệ thống lại để độc giả có một cái nhìn tổng thể, cụ thể hơn về sự tận tâm, tử tế và sự đoàn kết của tất cả mọi người từ người dân cho đến các ban, ngành đoàn thể, người đứng đầu Đảng, Nhà nước và Chính phủ; đó là một sự đoàn kết, quyết tâm cao độ trong cuộc chiến chống Covid-19. Thật sự, khi viết loạt bài viết này chúng tôi không nghĩ là sẽ đem đi dự thi vì đây cũng là công việc hàng ngày của những người làm báo như chúng tôi.
Hình ảnh mà các chiến sỹ tuyến đầu là những bác sỹ, là những sỹ quan quân đội, là những lực lượng hải quan chống dịch thật sự cảm động. Mỗi lần phải biên tập hoặc xử lý những tin, bài mà nhìn thấy những hình ảnh bác sỹ, chiến sỹ tranh thủ chợp mắt nằm ở bìa cát tông trên nền đất lạnh, ở hầm ô tô sau khi đã làm quá 100% sức lực của mình, không ai là không xúc động.
Hoặc nhìn những chiến sỹ họ ăn vội hộp cơm ở lề đường mà trên người vẫn mặc nguyên bộ quần áo phòng chống dịch thì khó có thể cầm lòng được. Từ những hành động đó, chúng tôi đã lên kế hoạch để viết một loạt dài hơi về sự tận tâm, tử tế của tất cả mọi người, của lực lượng tuyến đầu.
Bà Nguyễn Thu Phương, đại diện nhóm tác giả đạt giải B với loạt bài “Vì Việt Nam mạnh về biển, giàu từ biển” đăng trên TTX Việt Nam:
5 bài trong chùm tác phẩm là 5 “lát cắt” về biển Việt Nam nhìn từ quá khứ tới hiện tại và tương lai; lồng ghép trong đó là khẳng định bằng chứng không thể chối cãi đối với chủ quyền biển Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử trong nước và nước ngoài.
Cùng với đó là chính sách của Việt Nam luôn kiên trì, nhất quán thực thi và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, với mong muốn duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác trên biển, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các bên liên quan, luôn đề cao tôn chỉ, mục tiêu của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Các phóng viên cũng đã tìm góc nhìn mới để thể hiện những nội dung nêu bật tiềm năng kinh tế biển và các giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển bền vững nhằm hiện thực hóa khát vọng cháy bỏng là trở thành quốc gia mạnh về biển của người dân Việt Nam.
Ông Trần Văn Hiếu, đại diện nhóm tác giả đạt giải C của báo Phụ nữ Việt Nam:
Loạt bài 5 kỳ “Phụ nữ vượt biên bán bào thai” của báo Phụ nữ Việt Nam nói về tình trạng mua bán bào thai tại huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An hiện đang là vấn đề nóng bỏng. Với nhận thức còn hạn chế, cái nghèo đeo bám quanh năm, một số phụ nữ người Khơ Mú nơi đây nhanh chóng trở thành mục tiêu của bọn buôn người. Những đứa trẻ bị biến thành món hàng ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Loạt bài 5 kỳ này được nhóm Phóng viên chúng tôi thực hiện khá cầu kỳ. Sau khi có nguồn tin từ Công an tỉnh Nghệ An về việc địa phương xuất hiện tình trạng buôn bán bào thai từ trong bụng mẹ, Ban biên tập báo Phụ nữ Việt Nam đã cử Phóng viên thường trú khu vực Nghệ An đi lên tiếp cận thực tế.
Phóng viên đã đến các bản làng xa xôi của huyện Kỳ Sơn, gặp trực tiếp những người từng đi bán bào thai để ghi nhận lại cuộc sống của họ, nghe họ kể lại quá trình đi qua biên giới bán bào thai như thế nào?. Sau khi bán thì số tiền đó được sử dụng vào mục đích gì?... Sau khi phóng viên khu vực Nghệ An ghi nhận được các trường hợp, Ban biên tập báo Phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo làm thêm những vấn đề khác như: Sức khỏe, các khoảng trống về luật pháp; đưa ra các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ ở những vùng biên giới xa xôi.