Trách nhiệm và lương tâm

Nam Việt 07/11/2016 09:00

Đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung là vấn đề được xã hội quan tâm. Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan cần đẩy nhanh tiến độ công việc, hoàn thành việc này trước khi kết thúc năm 2016. Phó Thủ tướng nhắc nhở, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thì cần bảo đảm đúng đối tượng, sát thực tế, công khai, minh bạch.

Cán bộ Mặt trận trao quà cho bà con ngư dân
xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), ngày 24/6/2016.

Sự cố môi trường biển đối với 4 tỉnh Bắc Trung Bộ do Formosa gây ra đã gây ra nhiều tác hại trước mắt cũng như lâu dài, ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp tới đời sống cư dân ven biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế. Việc khắc phục sự cố, ngăn ngừa sự cố cũng như hỗ trợ người dân trong khu vực bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Cùng với các bộ ngành, chính quyền địa phương, thời gian qua Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, với tinh thần tất cả vì nhân dân, lo cho cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại. Công việc đền bù, hỗ trợ người dân đã và đang được tiến hành, tuy nhiên đây có thể coi là việc chưa có tiền lệ, mức độ ảnh hưởng rộng, nhiều đối tượng thiệt thòi, nên việc đền bù cần phải được triển khai rất cẩn trọng.

Chính vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên- Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ công việc được giao trong quyền hạn, trách nhiệm của Bộ mình; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ công việc, thì rất cần bảo đảm đúng đối tượng, sát thực tế, công khai, minh bạch.

Trong việc đền bù cho người dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trường, cùng với trách nhiệm của các bộ, ngành thì vai trò của địa phương là cực kỳ quan trọng. Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế phối hợp với Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường công tác vận động quần chúng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo để cùng chung tay xây dựng đất nước; làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu chủ trương, đường lối chính sách của Chính phủ, các Bộ ngành về giải quyết sự cố môi trường biển, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân.

Đồng thời tăng cường các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi xúi giục, kích động, gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ khẩn cấp gạo và tiền cho người dân; khẩn trương tổ chức chi trả số tiền ứng trước để bồi thường cho người dân trong những tuần đầu tháng 11 này.

Thực tế cho thấy, khi các đoàn công tác Trung ương tới những vùng bị thiệt hại để nắm bắt, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chi trả, thì cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý, tập trung vào mức độ bồi thường, đối tượng được bồi thường. Đó cũng là một thực tế. Thảm họa môi trường đối với khu vực này trước hết người dân phải gánh chịu. Đại đa số người dân chia sẻ với khó khăn chung, nhưng cũng yêu cầu sớm được hỗ trợ để có thể vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và có thể tìm cách phát triển cuộc sống.

Chính phủ cũng đã làm hết sức mình để người dân sớm vượt qua khó khăn. Vấn đề hiện nay là phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường cho những đối tượng bị thiệt hại. Ở đây, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Vì hơn ai hết họ là gần dân nhất, biết đối tượng nào bị thiệt hại đến đâu. Cán bộ thôn, xã chính là những người nắm rõ tình hình nhất. Vừa qua, việc chi trả ở một số nơi thuộc Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế làm nhanh, gọn, được người dân tán đồng chính là do cán bộ thôn, xã bàn bạc cụ thể với từng hộ dân; công khai mức độ đền bù, đối tượng đền bù cho người dân được biết. Khi cán bộ công khai minh bạch, làm việc vì lợi ích người dân thì người dân sẽ hiểu, chia sẻ và đi đến thống nhất.

Kinh nghiệm đó cho thấy, muốn đẩy nhanh tiến độ đền bù cho người dân trong vùng bị thiệt hại, thì cùng với vai trò tổng thể của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan thì việc chính quyền địa phương từ cấp cơ sở công khai trước dân, minh bạch trước dân sẽ là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, vai trò giám sát của Mặt trận đối với việc lên danh sách đối tượng chi trả, mức chi trả là rất quan trọng. Cán bộ Mặt trận trong từng khu dân cư hơn ai hết là những người hiểu sự tình, hiểu con người hơn ai hết.

Trở lại việc Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển Bắc miền Trung, cũng không thể không nói đến người dân khu vực này trong tháng 10 và đầu tháng 11 lại phải gánh chịu 2 đợt lũ lớn, lũ chồng lũ. Nước lũ mênh mông, nhất là tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Xa hơn một chút, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế cũng bị nước lũ uy hiếp, cùng đó là những trận lốc xoáy tàn phá nhà cửa, hoa màu. Năm nay, 4 tỉnh Bắc Trung Bộ chịu thiên tai cực kỳ nặng nề. Người chết, vật nuôi chết, nhà trôi, hoa màu tan nát, những đứa trẻ khó đến trường... Đúng là khó khăn chồng lên khó khăn.

Trong cơn nguy biến ấy, cả nước hướng về miền Trung. Một lần nữa, người ta lại thấy hình ảnh của người Mặt trận đến với bà con vùng khó. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa đồng bào. Những món quà chuyển đến bà con dù nhiều dù ít thì cũng gửi trọn tấm lòng, gian khó có nhau, lá lành đùm lá rách trong đạo lý truyền thống của dân tộc.

Chi trả bồi thường đúng đối tượng, công khai minh bạch và thật nhanh- đó là chủ trương của Chính phủ, một Chính phủ hành động vì dân. Vì thế, các bộ, ngành, những địa phương liên quan đã nỗ lực thì nay càng phải nỗ lực hơn nữa. Vì, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm đối với đồng bào của mình khi gặp khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm và lương tâm