Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) có những quan điểm trái chiều về việc thưởng vượt thu đối với các địa phương có cửa khẩu.
Liên quan đến chính sách thưởng vượt thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền đối với các địa phương có cửa khẩu, ĐB Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, việc đề xuất cơ chế này là một chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, chia sẻ của Chính phủ và Quốc hội đối với các tỉnh biên giới nơi không chỉ giữ vai trò cửa ngõ thương mại quốc gia mà còn gánh vác trọng trách an ninh, quốc phòng trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, bà Thái nhận thấy quy định về mức thưởng và điều kiện kèm theo như dự thảo luật chưa thực sự phù hợp, chưa sát với thực tiễn hoạt động quản lý thu và chi ngân sách tại địa phương có cửa khẩu qua biên giới đất liền, đặc biệt là những địa phương có đóng góp lớn từ nguồn thu thuế xuất, nhập khẩu.
Bà Thái đưa ra phân tích: Theo dự thảo, địa phương có cửa khẩu được trích một phần theo tỷ lệ không quá 10% số tăng thu thưởng cho địa phương nhưng không quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước. Quy định này dẫn đến 2 rào cản lớn. Đó là: thứ nhất, địa phương có thể vượt chỉ tiêu nhưng không được thưởng nếu thu không cao hơn năm trước, điều này xảy ra là phổ biến, bởi trong thực tế là do yếu tố khách quan. Thứ hai là mức trần 10% và giới hạn so với năm trước khiến phần thưởng bị hẹp lại, mất đi ý nghĩa động viên trong nhiều trường hợp vượt thu thực chất.
Bà Thái cũng dẫn chứng tại tỉnh Lạng Sơn là địa phương có 12 cửa khẩu, trong đó có các cửa khẩu quốc tế trọng điểm như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma năm 2024 thu thuế xuất, nhập khẩu của tỉnh đạt 6.600 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu trung ương giao là 5 tỷ đồng, đạt 130%. Năm 2025 chỉ tiêu được giao là 6.450 tỷ đồng và nếu tỉnh tiếp tục thu 6.600 tỷ đồng, tức là vượt chỉ tiêu giao là 150 tỷ đồng thì vẫn không được thưởng gì vì thu không cao hơn năm 2024.
Bà Thái nêu quan điểm, thuế xuất, nhập khẩu là nguồn thu mang tính khách quan, chịu ảnh hưởng bởi thương mại toàn cầu, chính sách của nước đối tác, điều tiết hải quan của trung ương và lưu lượng hàng hóa qua biên giới. Các yếu tố này không thể bị kéo hoặc dịch chuyển một cách chủ quan bởi địa phương. Ví dụ các doanh nghiệp chọn làm thủ tục tại các cửa khẩu như: Lạng Sơn hay Quảng Ninh thì phụ thuộc vào vị trí địa lý, loại hình hàng hóa, năng lực thông quan, nhu cầu của đối tác nước ngoài, không phải do ưu đãi của địa phương. Tuy nhiên, nếu địa phương nào có chính sách tốt, hạ tầng cửa khẩu đồng bộ, thông quan nhanh, logistics thuận tiện thì thu hút được hoạt động xuất, nhập khẩu nhiều hơn là điều bình thường. Điều này không làm giảm tổng thu mà tăng hiệu quả hoạt động xuất, nhập khẩu toàn quốc, chính sách tài khóa phải khuyến khích hiệu quả chứ không phải bình quân hóa kết quả, vì địa phương đầu tư và phục vụ tốt hơn thì xứng đáng được hưởng một phần thành quả.
Bà Thái cũng diễn giải, để phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu địa phương phải chi rất nhiều từ ngân sách địa phương cho công tác tổ chức điều hành cửa khẩu, hạ tầng giao thông, bến bãi, kho tàng, an ninh trật tự, phòng, chống buôn lậu và hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, lo ngại về tình trạng lập dự toán thấp để dễ vượt cũng không có cơ sở vững chắc, bởi vì chỉ tiêu thu xuất, nhập khẩu do Bộ Tài chính xây dựng, Chính phủ trình và Quốc hội phê duyệt. Địa phương không có quyền tự điều chỉnh giảm dự toán thu xuất, nhập khẩu để dễ được thưởng và thực tế chỉ tiêu giao năm sau thường cao hơn năm trước.
Chính sách thưởng vượt thu nếu thiết kế tốt sẽ không làm giảm thu ngân sách trung ương vì phần thưởng chỉ được trích từ phần vượt thu. Tức là phần ngoài dự toán, trung ương vẫn giữ toàn bộ phần thu trong kế hoạch, thậm chí nếu địa phương có động lực, họ sẽ phục vụ tốt hơn, đầu tư tốt hơn, từ đó giúp tăng thu ổn định trong dài hạn và giảm áp lực chi từ trung ương. Vì vậy, Quốc hội và Ban soạn thảo xem xét sửa đổi theo hướng trường hợp địa phương có số thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền tăng thu so với dự toán trung ương giao, ngân sách trung ương trích một phần không quá 30% số tăng thu thưởng cho địa phương để chi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để đảm bảo tính khuyến khích, nhất quán và phù hợp với thực tiễn.
“Thưởng vượt thu không phải là đặc quyền mà là sự ghi nhận xứng đáng đối với trách nhiệm mà các địa phương đang gánh vác. Việc sửa đổi theo hướng linh hoạt, hợp lý sẽ củng cố niềm tin của địa phương vào chính sách tài khóa và giúp ổn định phát triển lâu dài biên giới, vùng có ý nghĩa chiến lược của quốc gia”, bà Thái nói.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình về việc thưởng vượt thu cho các địa phương có cửa khẩu. Vì thực tế hiện nay, các địa phương trong đó có Quảng Ninh, cử tri ở tại các địa phương nơi địa đầu này rất mong mỏi và cũng kiến nghị việc phải có hỗ trợ ngược lại từ các nguồn thu này để cho các địa phương có thể tái đầu tư. Đặc biệt Quảng Ninh cùng với Lạng Sơn và một số địa phương đang xây dựng cửa khẩu thông minh cũng cần phải có nguồn lực này để hỗ trợ cho các địa phương và làm tốt hơn trong thời gian tới.
Thế nhưng, ĐB Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) lại cho rằng việc thưởng này chưa thực sự đúng bản chất vì cửa khẩu chỉ là nơi hàng hóa đi qua, còn nơi sản xuất để tăng giá trị xuất khẩu hoặc nơi tiêu thụ hàng nhập khẩu chịu thuế thì không phải ở địa phương cửa khẩu. “Như vậy, chính sách thưởng không đúng đối tượng và không bình đẳng”, ông Lâm chỉ rõ.