Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo trong vòng 70 năm nữa, Trái đất nóng lên thêm ít nhất 3 độ C. “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là cuộc chiến mà chúng ta đang thua, nhưng cũng đồng thời là cuộc chiến chúng ta có thể thắng”- ông A.Guterres nói.
Hai bé trai thả mình dưới đài phun nước vào một ngày hè nóng bức ở Brussels, Bỉ. Ảnh Reuters.
Mức tăng nhiệt sắp chạm ngưỡng giới hạn
Trong phát biểu của mình (hôm 24/9), Tổng Thư ký LHQ kêu gọi lãnh đạo trên toàn thế giới đưa ra những kế hoạch cụ thể, thực tế, để mỗi nước có thể gia tăng nỗ lực, đóng góp của mình nhằm giảm 45% lượng khí thải nhà kính trong thập kỷ tới và đạt mục tiêu không còn khí thải nhà kính vào năm 2050.
Trên thực tế, lượng khí thải toàn cầu đang tiến tới mức cao kỷ lục và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. 4 năm qua được ghi nhận là 4 năm nóng nhất (kể từ năm 1850) và nhiệt độ mùa đông ở Bắc Cực đã tăng 3 độ C tính từ năm 1990.
Theo giới chuyên gia, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu đã sắp chạm ngưỡng giới hạn. Ông Omar Baddour- chuyên gia khoa học cấp cao thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho rằng, về cơ bản, chúng ta đang trên đà chạm mức tăng ít nhất 1,2-1,5 độ C trong vòng 5 năm tới. Vị chuyên gia này dẫn số liệu của WMO cho thấy nhiệt độ trung bình trên toàn cầu giai đoạn 2015-2019 có xu hướng cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đó, với nền nhiệt cao hơn 1,1 độ C so với giai đoạn 1850-1900 thời kỳ tiền công nghiệp và cao hơn 0,2 độ C so với giai đoạn 2011-2015. Đáng chú ý, theo WMO, cho dù các nước lớn có chung tay hạn chế mức độ thải nhiệt vào khí quyển thì nhiệt độ của Trái đất sẽ vẫn tăng từ 2,9-3,4 độ C từ nay đến cuối thế kỷ. Mà điều đó tác động rất xấu tới sức khỏe con người, sản xuất nông nghiệp và thay đổi hệ sinh thái tự nhiên với nhiều loài động - thực vật biến mất.
Để đạt mục tiêu duy trì nhiệt độ Trái đất chỉ tăng 2 độ C từ nay cho tới cuối thế kỷ, các nước cần tăng gấp 3 chỉ tiêu cắt giảm lượng khí thải hiện nay và tăng gấp 5 lần các mục tiêu để duy trì nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C.
Cuộc chạy đua cứu vãn Trái đất
Trong một động thái được đánh giá là tích cực, đã có 66 Chính phủ, cùng với 10 khu vực, 102 thành phố, 93 doanh nghiệp và 12 nhà đầu tư đã cam kết giảm lượng khí thải CO2 về bằng 0 vào năm 2050 (tính tới thời điểm ngày 23/9, theo LHQ). Trước mắt, việc “hồi sinh” Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong bối cảnh loài người đang ngày càng xả một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, sẽ phụ thuộc vào ý chí của khoảng 60 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới khi nhóm họp tại New York (Mỹ), tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu. “Chúng ta không thể cứ rớt lại đằng sau trong cuộc chạy đua cứu vãn Trái đất thoát khỏi các thảm họa môi trường do nền nhiệt tiếp tục ấm lên”- TS Omar Baddour nói.
Còn nhớ, tháng 6 vừa qua, trong một báo cáo thường niên về chỉ số hòa bình do Viện nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình (IEP) công bố, đã cho rằng tình trạng nóng lên toàn cầu đặt ra nguy cơ đối với nền hòa bình thế giới. Báo cáo của IEP cho biết, trên thế giới có gần 1 tỷ người sống trong khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của tình trạng nóng lên toàn cầu và khoảng 40% trong số đó tập trung tại các nước vốn đang chìm trong xung đột. Trong khi đó, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, đe dọa kế sinh nhai của người dân cũng như dẫn tới hiện tượng di cư hàng loạt.
“So với 10 năm trước, thế giới đã trở nên ít yên bình hơn do nhiều nhân tố gồm các cuộc xung đột ở Trung Đông, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và sự gia tăng số người tị nạn”- báo cáo của IEP. Còn vị Chủ tịch của tổ chức này, ông Steve Killelea nhận định, biến đổi khí hậu đang trở thành “một vấn đề lớn”. Hồi năm ngoái, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã cảnh báo, biến đổi khí hậu khiến kinh tế toàn cầu gánh chịu thiệt hại lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050.