Được ví như “ngày tận thế”, các vụ cháy rừng đã bùng lên tại Hy Lạp mới đây, đặc biệt là trên đảo Evia khiến người ta vô cùng lo ngại.
Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã không còn là cảnh báo mà đã rất thực tế khi mùa hè năm nay liên tiếp xảy ra những trận mưa “lịch sử” gây ngập lụt từ Âu sang Á. Cùng đó là những vụ cháy kinh hoàng ở châu Âu lẫn Bắc Mỹ.
Những ngày qua, truyền thông Hy Lạp liên tục đưa thông tin về các vụ cháy do nắng nóng. Hy Lạp đã rơi vào đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua, gây ra cháy rừng nghiêm trọng. Những đám cháy dữ dội ở Evia khiến cho hòn đảo chìm trong biển lửa giống như cảnh trong phim kinh dị.
Những ngôi làng chờ cháy
Hàng nghìn người đã buộc phải di tản khỏi đảo Evia. Nền nhiệt vượt 44 độ C và gió mạnh ù ù thổi khiến cho các đám cháy càng bùng lên và lan rộng, hàng nghìn hécta rừng nguyên sinh bị thiêu rụi. “Những ngôi làng chờ cháy” - truyền thông Hy Lạp mô tả trong lo âu.
“Giống như phim kinh dị vậy. Nhưng đây giờ không phải là phim mà là đời thật. Chúng tôi phải sống trong nỗi kinh hoàng nhiều ngày và cuối cùng là đành tháo chạy” - Mina, một phụ nữ 38 tuổi đang mang thai kể lại trong sợ hãi, khi cô cùng nhiều “thổ dân Evia” vội vã trèo lên một chuyến phà ở Pefki để di tản.
Trên chuyến phà giải cứu ấy, những người di tản ngoái lại nhìn hòn đảo đang bốc cháy, như một sự đe dọa của ngày tận thế. Những cánh rừng cứ theo nhau bốc cháy trong sự bất lực và hoảng sợ của con người.
Tại làng Psaropouli, những người dân chạy “giặc lửa” vô cùng tức giận. “Tôi mất nhà rồi. Đó là thảm họa to lớn. Làng của chúng tôi bị bốc cháy. Chúng tôi không còn gì nữa từ nhà cửa, tài sản. Không còn gì. Không còn gì” - một phụ nữ tên Vasilikia cho biết.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã lên tiếng kêu gọi người dân, “sau các đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày biến cả nước thành một đám cỏ khô dễ cháy, tôi yêu cầu người dân hạn chế đi lại và cảnh giác. Nếu có lệnh sơ tán, các bạn phải đi ngay lập tức. Nhà cửa có thể xây lại, cây cối sẽ mọc lại, nhưng mạng sống thì không ai tạo ra được. Trong tình trạng khẩn cấp này, tất cả chúng ta phải đoàn kết để vượt qua”.
Giới chức Hy Lạp cho biết, có ngày đã xảy ra tới 98 đám cháy. Riêng trong ngày 6/8, lực lượng cứu hỏa đã phải nỗ lực dập tắt 154 đám cháy trong khi 64 đám cháy khác vẫn chưa được kiểm soát.
Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (Liên minh châu Âu) cho biết, tháng 7/2021 là một trong những tháng 7 nóng nhất thế giới được ghi nhận, chỉ sau năm 2019 và 2016, với nhiệt độ cao bất thường ở các khu vực từ Phần Lan đến Mỹ. Tháng 7 năm nay cũng là tháng 7 nóng thứ hai mà châu Âu ghi nhận. Cùng chung số phận, nắng nóng kỷ lục ở Mỹ và Canada dẫn đến hàng loạt vụ cháy rừng, làm nhiều người tử vong.
Cuối tháng 6, tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiệt độ lên tới 49,1 độ C. Hơn 100 đám cháy rừng đã xảy ra dọc bờ biển phía Nam đất nước, khiến ít nhất 8 người tử vong. Hàng chục nghìn người đã phải sơ tán bằng thuyền khi ngọn lửa bao trùm các khu nghỉ dưỡng và làng mạc ven biển. Bà Freja Vamborg - nhà khoa học cấp cao tại Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus cho rằng xu hướng ấm lên trên toàn cầu diễn ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới, “đáng tiếc là nó không có dấu hiệu dừng lại”.
Chống trả sự tấn công của virus lẫn khói và bụi
Tình hình tương tự cũng đã và đang diễn ra tại Bắc Mỹ, đặc biệt là tại Mỹ và Canada.
Tuần qua, đám cháy rừng Dixie tàn phá miền Bắc bang California (Mỹ), thiêu rụi hơn 1.700 km2 diện tích đất rừng kể từ khi bùng phát vào giữa tháng 7.
Cảnh sát trưởng hạt Plumas, người điều phối cuộc chiến chống đám cháy rừng Dixie, ông Todd Johns cho biết, đám cháy hết sức kinh hoàng. Nó thiêu rụi toàn bộ thị trấn Goldville của thành phố Greenville. Nhà cửa bằng gỗ bị đám cháy thiêu rụi đã đành, ngay cả các tòa nhà bằng đá tại thành phố Greenville cũng bị sụp đổ.
“Chúng tôi đã phải huy động 5.000 nhân viên thuộc lực lượng chữa cháy California tới dập tắt các đám cháy. Nhưng dập được chỗ này thì chỗ kia lại bốc lửa. Nhân viên chữa cháy không thể làm việc lâu dài vì những ngọn lửa tàn khốc đã đốt hết ôxy trong không khí” - Cảnh sát trưởng Todd Johns nói.
Trong khi đó, Trung tâm Cứu hỏa liên ngành quốc gia Mỹ (NIFC) cho biết, tại 13 bang Miền Tây, hơn 80 vụ cháy rừng lớn đã tiếp diễn, thiêu rụi hơn nửa triệu hécta thảm thực vật, tàn phá một khu vực có diện tích lớn hơn toàn bang Delaware.
Tại thành phố New York, người ta hãi hùng chứng kiến một lớp khói xám bao phủ đường chân trời của Manhattan, chỉ số chất lượng không khí (AQI) về hạt mịn lên tới 170 - mức được coi là có hại ngay cả đối với những người khỏe mạnh và cao hơn 9 lần so với khuyến nghị về giới hạn phơi nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Chưa hết, AQI tại Philadelphia còn cao hơn, đạt 172. Các thành phố Đông Bắc khác của Mỹ, bao gồm Boston và Hartford, bang Connecticut, các chỉ số ở những vùng bị ảnh hưởng vào khoảng trên 150.
“Người dân ra đường phải đeo khẩu trang, không phải chỉ để tránh Covid-19 mà là để tránh hít phải khói bụi từ những đám cháy” - Marine Faucier, một thanh niên New York nói.
Cùng thời điểm, hàng trăm đám cháy cũng bùng phát ở miền Tây và miền Trung Canada. Chỉ riêng vùng British Columbia, đã có tới 86 đám cháy buộc nhà chức trách địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Reuters đưa tin, gió xoáy và các luồng không khí xuyên lục địa đã mang theo khói và bụi đi xa hàng nghìn kilômét. Người dân cách rất xa nơi cháy rừng cũng cảm thấy bầu không khí ô nhiễm đang tác động tiêu cực đến mắt, mũi và lá phổi của họ.
Thật đáng lo ngại khi các chuyên gia khí tượng cho rằng cháy rừng ở các khu vực Manitoba và Ontario của Canada đã sinh ta những lớp khói bụi lan sang Mỹ, khiến không khí bị ô nhiễm. Một nghiên cứu của Đại học Alberta cho rằng tiếp xúc nhiều với khói cháy rừng sẽ để lại hậu quả lâu dài về hô hấp đối với lính cứu hỏa, bao gồm cả nguy cơ khiến bệnh hen suyễn tăng cao.
Nhất là với những người mắc Covid-19 thì người bệnh sẽ khó phục hồi hơn vì lá phổi của họ cùng lúc phải chống trả sự tấn công của virus SARS-CoV-2 lẫn khói và bụi.
“20 tỷ USD thiệt hại do các đám cháy thì cũng không nguy hại bằng những di chứng lâu dài về sức khỏe, trong đó có các bệnh về phổi và dị ứng”- đại diện nhóm nghiên cứu Đại học Alberta lên tiếng.
Tại Nga, Thủ đô Moscow cũng đã phải trải qua một ngày nóng nhất trong vòng 120 năm, khi nhiệt độ ở thành phố chạm ngưỡng 35 độ C. Cơ quan thời tiết Nga Roshydromet dự báo nhiệt độ tại Moscow sẽ còn lên tới hơn vì mùa hè năm nay được coi là hết sức dữ dội. “Sự gia tăng nhiệt độ được ghi nhận ở Moscow là điều chưa từng có suốt 120 năm qua” - Marina Makarova, một chuyên gia của Roshydromet, cho biết và thêm rằng điều đó là do tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trong khi đó, thành phố lớn thứ 2 ở Nga là St.Petersburg cũng phải hứng chịu đợt nắng gay gắt nhất kể từ 1998, với nhiệt độ lên tới 34 độ C. Không phải tất cả người dân Nga đều sẵn sàng cho việc đối mặt với điều kiện thời tiết gay gắt này. Pavel Karapetyan, một kiểm toán viên 35 tuổi, chia sẻ: “Chúng tôi không quen với cái nóng như vậy, đó là sự thật”.
Trong khi đó, theo Guardian, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, các đợt nắng nóng được dự báo sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn, đồng thời ảnh hưởng của chúng cũng lan rộng hơn.