Núi Bidoup thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà được mệnh danh là “nóc nhà” của Tây Nguyên với độ cao 2.287 m đang được những người mê trekking (du lịch mạo hiểm) yêu thích.
Bao đời nay, các già làng truyền dạy con cháu không được xâm hại rừng. Chỉ biết rằng chính nhờ điều khuyên răn, cấm kỵ đó lan truyền đã góp phần gìn giữ Bidoup-Núi Bà xanh mênh mông và bạt ngàn với những giá trị vô giá của nó cho đến hôm nay và cho các thế hệ mai sau...
Núi Bidoup thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (thuộc 2 huyện Đam Rông và Lạc Dương, Lâm Đồng) được mệnh danh là “nóc nhà” của Tây Nguyên với độ cao 2.287 m đang được những người mê trekking (du lịch mạo hiểm) yêu thích.
Điểm xuất phát từ TP Đà Lạt, chạy theo đường DT 723 nối Đà Lạt với tỉnh Khánh Hòa. Khi đến thôn K’Long K’Lanh, xã Đa Chais, huyện Lạc Dương, chúng tôi bắt đầu hành trình dài 28 km tới đỉnh Bidoup. Để hành trình trải nghiệm được an toàn thì những người leo núi nên chuẩn bị sẵn thuốc chống vắt và mang theo quần áo ấm, mũ, găng tay, túi ngủ vì đêm trên đỉnh Bidoup rất lạnh.
Thời gian đẹp nhất tại Bidoup từ tháng 12 đến tháng 4. Vườn Quốc gia Bidoup có nhiều loài cây che phủ tạo nên các kiểu rừng đa dạng: Rừng kín thường xanh, rừng thưa cây lá kim, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim, rừng lùn đỉnh núi, rừng rêu, rừng tre nứa. Nơi này có cây thông đỏ nghìn tuổi từng có nhà khoa học sinh thái ước ao trước khi chết được đến ngắm một lần, lại có cây pơ mu tới 1.300 năm tuổi. Trên những thân cây nghìn tuổi ấy vẫn còn lưu dấu tích loài khủng long tiền sử…
Bidoup - Núi Bà là một trong 28 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các rừng đặc dụng Việt Nam. Vườn có tài nguyên sinh học đa dạng phong phú, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với nhiều thác nước hùng vĩ tạo điều kiện tốt cho du lịch sinh thái. Tháng 4/2021, 3 tạp chí quốc tế nổi tiếng về chuyên ngành thực vật học: Brittonia, International Camellia Society và Phytotaxa đã công bố 4 loài thực vật mới cho khoa học có xuất xứ từ vườn quốc gia này. Trong đó, 2 loài thuộc chi Trà my (Camellia) và 2 loài thuộc chi Thu hải đường (Begonia).
Nơi đây còn được đánh giá là một trong 221 khu sinh quyển chim thế giới và còn được xem là vương quốc của các loài lan rừng Việt Nam. Dừng chân thư giãn bên dòng nước mát lạnh dưới thác Tiên, hạ trại bên dòng suối mát, cùng tham gia bắt cá và thưởng thức bữa trưa hoang dã giữa rừng, trong tiếng thác đổ ầm ào và muôn vàn tiếng chim hót rồi tiếp tục hành trình băng rừng khám, du khách sẽ có trải nghiệm tuyệt vời. Đây cũng được coi là một trong những cung đường trekking lãng mạn nhất bởi nó không đi qua các khu rừng nhiệt đới cây cối rậm rạp mà là rừng ôn đới lá kim khoáng đạt.
Trên hành trình chúng tôi được nghe những câu chuyện huyền thoại kể về đỉnh Bidoup - Núi Bà và hiểu rằng đối với người bản địa tất cả vạn vật trong đời sống đều có “thần”: thần rừng, thần sông, thần nước, thần mặt trời... Vậy nên bao đời nay, các già làng truyền dạy con cháu không được xúc phạm thần linh, ai xâm hại rừng và mọi thứ trong rừng sẽ bị Yàng (Trời) bắt tội chết. Miễn lý giải, chỉ biết rằng chính nhờ điều khuyên răn, cấm kỵ đó lan truyền đã góp phần gìn giữ “nóc nhà” Tây Nguyên xanh mênh mông và bạt ngàn với những giá trị vô giá của nó cho đến hôm nay và cho các thế hệ mai sau...
Thật bất ngờ, ở độ cao 1.600 m so với mặt biển, ngôi làng Dơng Iar Jiêng là ngôi làng còn nguyên nét hoang sơ, rất ít người biết đến ngôi làng này do nằm trong lõi rừng quốc gia, cách bìa rừng khoảng 25 km. Ngôi làng hiếm hoi này chỉ vỏn vẹn 29 hộ với hơn 200 nhân khẩu là tộc người K’Ho Cil (một trong 5 nhánh người đồng bào K’Ho) sinh sống. Người dân trong ngôi làng này mấy chục năm nay thắp đèn dầu, dùng nước từ khe núi và ăn những thứ cây, quả tự tay trồng.
Được biết, năm 2011, Ban Giám đốc vườn quốc gia đã có chủ trương lập dự án di dời toàn bộ làng ra khỏi rừng. Nhưng khi tiến hành thảo luận với các nhà khoa học, các tổ chức, nhất là việc người dân trong làng không đồng thuận nên dự án di dời đã bị hủy bỏ. Làng Dơng Iar Jiêng vì thế tới nay vẫn giữ được nguyên trạng. Ban quản lý rừng quốc gia được sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, nguồn vốn từ UBND tỉnh tăng cường giao khoán rừng cho người dân bảo vệ, trông coi rừng để các hộ dân thu nhập cao hơn, cải thiện cuộc sống. Đồng thời Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đang từng bước xây dựng lộ trình trong dự án đào tạo, hỗ trợ người dân Dơng Iar Jiêng làm du lịch sinh thái...
Sau nhiều giờ đồng hồ leo trèo mệt nhoài chúng tôi cũng chinh phục được độ cao 2.278 m với những thử thách không quá khó. Chỉ có vài đoạn dốc trơn trượt hay những tán rừng rậm rạp, còn lại hầu hết chặng đường đều có độ dốc thoải. Nhưng không như nhiều đỉnh núi ở Tây Bắc, đỉnh Bidoup chỉ là một khoảng đất bằng, bên trên là tán rừng dày đặc nên không có tầm nhìn thông thoáng.
Tới đây nhiều người có thể sẽ cảm thấy lạ lẫm vì Bidoup được bảo vệ nghiêm ngặt và điểm đến này hầu như không có rác thải. Du khách buộc phải mua tour chinh phục “nóc nhà” Tây Nguyên với giá khoảng một triệu đồng. Đặc biệt, khoản tiền này sẽ được sử dụng cho việc bảo vệ và phát triển rừng, và chi trả cho những hướng dẫn viên người bản địa.
Vườn Quốc gia Bidoup rộng trên 70.000 ha với khoảng 66.000 ha vùng lõi với 91% diện tích được thảm rừng nguyên sinh che phủ. Điểm đến này được trao danh hiệu Vườn Di sản ASEAN năm 2019. Các nhà khoa học đánh giá đây là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học Việt Nam và một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới. Vườn quốc gia chủ yếu là rừng nguyên sinh với đa dạng các loài động-thực vật. Có khoảng 1.933 loài thực vật, trong đó có tới 62 loài xếp vào hạng quý hiếm như: Thông đỏ, Pơ mu, Thông hai lá dẹp, Bách xanh,…