Sản phẩm mô phỏng kiến trúc một cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo dựa trên phế tích cột đá chùa Dạm, và văn bia Sùng Thiện Diên Linh khắc năm 1121.
Sau 7 năm dài nghiên cứu, thu thập tài liệu, mới đây nhóm Sen Heritage gồm TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VASS), nhà thiết kế Trần Thanh Tùng (CEO Circle Group, Hội quán Di sản), KTS Đinh Anh Tuấn (CEO VNi, Holomia) cùng các đồng nghiệp... đã cho ra mắt sản phẩm “Đề xuất phương án chùa Diên Hựu - chùa Một Cột thời Lý”.
Theo đó, sản phẩm mô phỏng kiến trúc một cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo dựa trên phế tích cột đá chùa Dạm, và văn bia Sùng Thiện Diên Linh khắc năm 1121.
“Đề xuất phương án chùa Diên Hựu - chùa Một Cột thời Lý” là sản phẩm đầu tiên của nhóm Sen Heritage trong chương trình tái lập các di sản kiến trúc - mỹ thuật thời Lý Trần như: Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, An Nam tứ đại khí… và nhiều di sản văn hóa khác.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một phương án tái lập kiến trúc hoa sen một cột sáu cạnh đời Lý tại chùa Diên Hựu - Một Cột. Nếu như, chùa Diên Hựu là mô phỏng một tiểu vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo với tháp Một Cột - tháp hoa sen nằm ở trung tâm của Mandala đồng tâm đa chiều; thì các sản phẩm công nghệ thực tế ảo là một nỗ lực hiện thực hóa, hình ảnh hóa cấu trúc bình đồ và nghệ thuật kiến trúc thời Lý để người xem có thể “bước vào lịch sử, bước đi trong lịch sử.
TS Trần Trọng Dương cho biết: Từ ý tưởng ban đầu nhóm nghiên cứu đã tổ chức những chuyến đi điền dã để thu thập thông tin cũng nhưng tham khảo các nguồn sử liệu. Đặc biệt để hoàn thành được nhóm nghiên cứu đã nhận được sự tham gia cố vấn của các nhà nghiên cứu như nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ…
Bởi một di sản quý như chùa Diên Hựu khi được thể hiện trên công nghệ thực tế tỷ lệ 1:1 đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối vì đây là công trình lịch sử chứ không phải là một trò chơi.
Cũng theo TS Trần Trọng Dương, mặc dù đây chỉ là “thực tế ảo” nhưng các thức kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đã được xử lý dựa trên số liệu cụ thể, nhằm hướng đến các phương án tái lập và phục vụ công tác truyền bá, giảng dạy, bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa của văn hóa Đại Việt thời Lý đến với xã hội ngày nay.
Một ngày nào đó có thể cất những bước đi trong ngôi chùa Diên Hựu lịch sử. Người Việt Nam của thế kỷ 21 có thể “bước vào lịch sử”, có thể đi dạo trong không gian lộng lẫy của nghệ thuật Phật giáo cung đình, có thể “đưa tay chạm vào hiện vật ngàn năm”, để hiểu bàn tay tài hoa của cha ông thể hiện qua từng nét chạm nét khắc trên từng đường nét kiến trúc. Trẻ em, học sinh, sinh viên có thể “đeo kính” để tung tăng gót sen, dạo chơi, vui đùa trong không gian linh thiêng và hào hoa của Diên Hựu gần tròn nghìn tuổi.
“Hy vọng không xa nữa, nếu có thể, từ “công trình thực tế ảo” này chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng phỏng dựng lại chùa tháp Diên Hựu của nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao thời Lý - nơi lắng đọng những giá trị cốt lõi ngàn đời dân tộc người Việt Nam”, TS Trần Trọng Dương kỳ vọng.
Những năm qua việc áp dụng khoa học - công nghệ, nhất là lĩnh vực công nghệ số đang thể hiện tính ưu việt và phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Mới đây, nhân ngày Du lịch thế giới (27/9), Google Arts & Culture đã ra mắt bộ sưu tập gồm hàng nghìn bảo tàng và điểm đến văn hóa trên thế giới.
Với sự giúp đỡ của đối tác CyArk, 37 di sản văn hóa khắp thế giới sẽ được xuất hiện trên Google Tìm Kiếm bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), bao gồm Lăng Vua Tự Đức tại Huế. Đây không chỉ là niềm tự hào của người Việt Nam mà còn tạo ra cơ hội để thế giới biết đến vẻ đẹp kiến trúc, giá trị nghệ thuật của Lăng Tự Đức nói riêng và phương Đông nói chung.
Bên cạnh đó, cũng ghi nhận thời gian gần đây, các bảo tàng ảo dành cho công chúng tham quan trực tuyến, các chương trình thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau... đã xuất hiện ở nước ta ngày một nhiều.
Công nghệ quét và in 3D cũng được sử dụng rộng rãi hơn nhằm phục chế, nhân bản, sản xuất các hiện vật, di sản cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, từ trưng bày, nghiên cứu… đến bán hàng lưu niệm. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã và đang góp phần thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả hơn.