Gia Lai chưa phải mảnh đất du lịch đông đúc. Nhưng với những địa điểm hoang sơ rất phù hợp với những ai ưa khám phá. Người dân vùng đất này thật thà, chất phác và hiếu khách.
Trước thung lũng núi lửa Chư Đăng Ya.
Gia Lai luôn ẩn chứa một nét quyến rũ khó cưỡng nhờ vào sự hào phóng của mẹ thiên nhiên ban tặng. Đến với vùng đất đại ngàn này, du khách như lạc vào một thế giới khác lạ với những cánh rừng cao su bạt ngàn, đồi thông cao vút cho đến các nương rẫy cà phê ngút ngàn tầm mắt. Chưa bao giờ hành trình đến với xứ núi lại đẹp đến như thế…
Buổi sáng ở núi rừng Gia Lai đẹp nhẹ nhàng khó tả. Những làn sương mai sớm, dòng sông mây bồng bềnh trôi một cách huyền ảo. Đặc biệt là đường thông biển hồ Chè. Con đường trải dài 2 hàng thông trăm tuổi ở biển hồ Chè, huyện Chư Păh sẽ mang đến cho du khách nhiều cảm xúc và khoảnh khắc đẹp đến ngỡ ngàng. Sáng sớm, con đường thông ẩn hiện giữa màn sương, hiện lên vẻ đẹp kỳ ảo.
Một thổ dân ở Gia Lai kể rằng Gia Lai xưa rất đẹp, thông kín khắp ngả đường chẳng kém gì Đà Lạt. Hồi đó, sương mù giăng mắc tới 9h sáng, giờ đây cảnh tưởng huyền ảo đó chỉ còn trong trí nhớ của nhiều người do quá trình đô thị hóa. Nhưng những nét đặc sắc Gia Lai thì vẫn còn hiện hữu, như buổi sáng đứng trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya, bạn có thể ngắm bình minh tuyệt đẹp với biển mây bồng bềnh trôi. Leo núi mất khoảng 30 phút và đợi bình minh lên vào thời điểm hơn 5 giờ, nếu bấm máy sẽ bắt trọn được cảnh tượng huy hoàng.
Ngọn núi lửa được xem là nóc nhà của TP Pleiku với không khí rất trong lành. Mây giăng phủ kín đỉnh núi trong sương khói mờ mờ tạo nên một khung cảnh lãng mạn. Một bức tranh thanh bình và trầm mặc khác là ngôi chùa Bửu Minh huyền ảo trong làn sương sớm. Nằm giữa một vùng đồi chè bạt ngàn, chùa Bửu Minh dựa lưng vào núi Tiên Sơn, bên cạnh là dòng sông và dãy núi cao hùng vĩ.
Bửu Minh cũng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Tây Nguyên. Không chỉ là buổi sớm mai, cảnh sắc thiên nhiên Gia Lai còn hiện lên đầy sức quyến rũ qua những cánh rừng cao su Chư Păh bạt ngàn với hai hàng cây cao vút là một bức tranh đẹp đến ngỡ ngàng.
Cùng với đó, Hồ T’nưng (Biển Hồ), một thắng cảnh của Gia Lai nổi tiếng trong ca khúc “Đôi mắt Pleiku ” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Biển Hồ vô cùng nổi tiếng ở Gia Lai bởi vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ giữa đại ngàn.
Đến Biển Hồ, bạn sẽ không còn thắc mắc tại sao nơi đây được mệnh danh là đôi mắt Pleiku và từng được đưa vào nhiều bài ca, các tác phẩm sử thi Tây Nguyên. Ngoài ra, con đường đến với biển hồ cũng vô cùng xinh đẹp với hai bên đường là những hàng thông cao vút, là địa điểm chụp ảnh “sống ảo” không thể tuyệt vời hơn cho giới trẻ.
Dù cách khá xa thành phố Pleiku nhưng tên tuổi thác Phú Cường tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã được khẳng định chỉ bằng vẻ đẹp hùng vĩ đến lạ thường. Thẳng tiến trên con đường Quốc lộ 25, thả hồn theo những cơn gió cao nguyên, rồi thác Phú Cường hiện ra trước mắt với khung cảnh tráng lệ.
Từ phía dưới, nước tung bọt trắng xóa, thả mình từ trên một độ cao không tưởng, tạo ra một cảnh tượng choáng ngợp đến lạ thường. Không gian mát mẻ của những tán cây dưới chân thác là một điểm lý tưởng để tổ chức những buổi picnic, dã ngoại ngoài trời.
Có thể thấy, hầu hết các điểm đến ở Gia Lai đều hoang sơ và ít khai thác kinh doanh nên rất đáng để những người ưa trải nghiệm khám phá. Người Gia Lai thật thà, chất phác và hiếu khách. Đừng ngại hỏi thăm khi gặp khó khăn trên đường đi và nghỉ nhờ nếu muốn trải nghiệm cuộc sống của dân bản địa.
Biển Hồ T’nưng.
Đến Gia Lai, đừng quên tìm hiểu nét văn hoá cồng chiêng để thấy tất cả những lễ hội diễn ra đều không thể thiếu được cồng chiêng, điều này phần nào cho thấy sự quan trọng của cồng chiêng đối với đời sống người dân nơi đây. Từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu… hay trong một buổi nghe Khan… đều phải có tiếng cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng như là thứ để nối kết những con người trong cùng một cộng đồng.
Đi vòng quanh ngọn lửa thiêng, nhấp miếng rượu cần trong âm vang tiếng cồng chiêng núi rừng để thấy được sự huyền ảo, lãng mạn, nghe như những áng sử thi hào hùng vang vọng về. Theo quan niệm của người Gia Lai nói riêng và người Tây Nguyên nói chung đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Những huyền thoại được kể lại rằng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao.
Đặc biệt ở Gia Lai có những bản làng người Gia Rai và Ba Na còn nguyên sơ, văn hóa đặc sắc, là tiềm năng lớn của loại hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian khai thác hoạt động du lịch này không hiệu quả. Hiện những làng văn hoá rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách và dần bị lãng quên. Như làng Đê Ktu của người Bana (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang).
Bên cạnh đó làng Kép, làng Phung (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh), làng của người Anh hùng A Sanh (xã Ia Kha, huyện Ia Grai) gắn với dòng sông Pô Kô huyền thoại, làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) của Anh hùng Đinh Núp nổi tiếng, làng Plei Ốp ở ngay trung tâm thành phố Pleiku… cũng chưa được khai thác hiệu quả. Nguyên nhân du khách chưa mặn mà với du lịch cộng đồng ở Gia Lai là do sản phẩm du lịch còn đơn điệu, nhàm chán.
Một số làng bê tông hóa quá nhanh làm mất bản sắc. Thêm vào đó, các làng gần như không có ẩm thực, không chỗ lưu trú và không có sản phẩm lưu niệm. Nên khi có khách thì cũng chỉ đến tham quan rồi về. Đáng chú ý, người dân bản địa - hồn cốt của du lịch cộng đồng thì chỉ là những người ngoài cuộc.
Chị Rơ Châm H’Panh- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Yok (huyện Ia Grai), người vừa có sáng kiến khởi nghiệp phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch nhấn mạnh đến sự tham gia của người dân địa phương, xem đây là yếu tố quyết định thành công của du lịch cộng đồng.
Theo chị Rơ Châm H’Panh, đồng bào dân tộc ở các làng văn hoá du lịch phải là chủ thể và có thu nhập từ hoạt động du lịch của làng. Họ phải sống được bằng nghề du lịch thì du lịch cộng đồng mới sẽ thành công.
Vẫn còn đó những bất cập, nhưng chỉ vài phác hoạ đã cho người ta thấy được tiềm năng giàu có của du lịch Gia Lai. Có lẽ, trong tương lai không xa điểm đến này sẽ vươn mình khẳng định vị trí trong lòng du khách, để người ta mãi vấn vương về vẻ đẹp quyến rũ của Gia Lai.