Quán thanh xuân tháng 7 (20h40 ngày 18/7 trên kênh VTV1) xây dựng nội dung có nét mới so với truyền thống, đó là ký ức riêng về một thành phố. Với chủ đề “Thành phố những cánh buồm” sẽ là những câu chuyện về “Thành phố hoa phượng đỏ” – Hải Phòng.
Hải Phòng là nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều tài năng nghệ thuật lớn của đất nước. Có nhiều người dù không sinh ra tại Hải Phòng nhưng mảnh đất cửa biển là nơi đã nuôi dưỡng tài năng, lưu dấu những năm tháng đáng nhớ trong cuộc đời và sự nghiệp của họ. Nhắc đến một Hải Phòng trong văn học là người ta nghĩ ngay đến nhà văn Nguyên Hồng. Quê gốc của ông ở Nam Định nhưng những năm tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông gắn liền với từng góc phố, bến tàu và những con người lam lũ cùng khổ nơi đất Cảng. Ta hiểu vì sao mà có thiên tiểu thuyết “Bỉ vỏ”.
“Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang với lời ca chỉ là một đoạn trong trường ca cùng tên của nhà thơ Phan Vũ, một trường ca cho đến tận bây giờ vẫn được cho là hay nhất về Hà Nội. Phan Vũ, cũng giống như Đoàn Chuẩn là những người con của Hải Phòng, đã cảm nhận, đã yêu và viết cho Hà Nội những tuyệt phẩm rất giá trị, không thể Hà Nội hơn. Các họa sĩ, nhà điêu khắc của Hải Phòng hoạt động nghệ thuật trong một môi trường ít nhiều buồn tẻ và khó khăn, không nhộn nhịp như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Nhiều họa sĩ đã chọn cho riêng mình một môi trường nghệ thuật khác. Tuy nhiên dù ở nơi nào, tác phẩm của họ đều có một phong cách nghệ thuật mạnh mẽ, mặn mòi như biển.
Các tên tuổi lớn về hội họa được sinh ra tại Hải Phòng như Mai Trung Thứ, Trần Văn Cẩn... Kế theo là các nghệ sĩ khác như Thọ Vân, Lê Viết Sử, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hà, Đặng Hướng, Khắc Nghi, Quốc Thái, Phạm Ngọc Lâm, Sơn Trúc, Quang Ngọc... Lớp các họa sĩ và nhà điêu khắc trẻ thế hệ thứ ba phải kể đến: Đặng Tiến, Quang Huân, Đinh Quân ...
Hải Phòng cũng là mảnh đất đã sản sinh, nuôi dưỡng những tên tuổi của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Đỗ Nhuận, Tô Vũ, Trần Chung, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Đình Thi, Vũ Trọng Hối, Lương Vĩnh rồi Duy Thái sau này.
Hải Phòng cùng với Hà Nội được coi là 2 cội nguồn hình thành nền âm nhạc hiện đại của Việt Nam. Từ những thập niên 30, 40 của thế kỷ 20, các nhạc sĩ tiên phong của Tân nhạc Việt Nam tại Hải Phòng và Hà Nội thường xuyên có sự giao lưu, trao đổi với nhau trong các sáng tác cũng như xuất bản (in ấn) tác phẩm. Kịch nói Hải Phòng thì có những cái tên được cả nước biết đến là Thế Lữ, Lê Đại Thanh, Quang Thắng, Văn Lượng. Những thông tin thú vị về người Hải Phòng tài hoa như đã nói ở trên do một nhà “Hải Phòng học”, cũng là người trai đất Vĩnh Bảo Nguyễn Thụy Kha chia sẻ tại Quán thanh xuân “Thành phố những cánh buồm”.
Bên cạnh đó, hoạ sĩ Đặng Tiến, một khách mời khác của chương trình, tác giả của những bức tranh bến Tam Bạc, Sông Cấm gợi cảm hứng cho cái tên của chương trình “Thành phố những cánh buồm” cũng sẽ giải đáp về những tên đất đặc biệt của quê hương anh. Vì sao lại là Cầu Đất, cầu Rào, sông Lấp, chợ Hàng, chợ Sắt, hàng Kênh, phố Ga, Cát Cụt, Cát Dài, ngõ Cấm, phố Khách, Máy Chai, Máy Điện, Máy Tơ, Lạch Tray..., những địa danh dân dã đó là một kho tàng giá trị phi vật thể.
Những năm cuối thế kỷ 20, Pháp cho xây dựng ở Việt Nam những công trình kiến trúc nổi tiếng với vật liệu chính bằng sắt, các cầu lớn như cầu Long Biên - Hà Nội, những khu chợ như chợ Sắt - Hải Phòng. Tại chương trình Quán thanh xuân “Thành phố những cánh buồm” KTS Nguyễn Tuân chia sẻ những điều anh đã tìm hiểu và trải nghiệm về những nét kiến trúc đặc trưng của thành phố. Một nét độc đáo về đô thị Hải Phòng còn là những dòng sông. Những con sông chảy trong lòng thành phố hiện đại cùng với những cây cầu lớn nhỏ bắc qua.
Rời xa Hải Phòng và thành danh, nhưng trái tim vẫn dành cho thành phố quê hương, đó là câu chuyện của “nhiều nhà trong một nhà” Nguyễn Thuỵ Kha và ca sĩ Phạm Thu Hà. Ở lại Hải Phòng và cũng ghi tên mình trên bản đồ nghệ thuật như nhạc sĩ Duy Thái, hoạ sĩ Đặng Tiến cũng là một lựa chọn khác. Nhạc sĩ Duy Thái cho biết, viết bài hát về Hải Phòng luôn là sự tri ân đặc biệt của Duy Thái - tác giả “Lời của gió” bày tỏ tình yêu với thành phố quê hương một cách rất chân thành như vậy.
Hoạ sĩ Đặng Tiến dù đã đôi lần manh nha ý định lên Thủ đô nhưng rút cục anh vẫn ở lại thành phố quê hương. Với vị trí Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, anh đã có những nỗ lực để mỹ thuật đất Cảng có phong vị riêng. Cũng tại chương trình tính cách người Hải Phòng, biểu tượng Hải Phòng cũng đã được bày tỏ trong suy nghĩ của các vị khách mời.
Với nhạc sĩ Duy Thái, đó là: thô, thẳng, thật. Ca sĩ Phạm Thu Hà: ngông, ngang, ngốc. Ông Thụy Kha thì cho cả tin là một nét tính cách đặc trưng Hải Phòng, đồng thời chọn “hoa phượng” là chỉ dấu của thành phố. Với ca sĩ Phạm Thu Hà, nhắc đến Hải Phòng không thể không nhắc tới Nhà hát Thành phố. Còn theo nghệ sĩ ưu tú Quang Thắng, nét duyên nhất của Hải Phòng chính là “Thiên đường ẩm thực”.
Bên cạnh những chia sẻ của những khách mời, Âm nhạc của Quán thanh xuân tháng 7 là những ca khúc về thành phố Hải Phòng như Em đến thăm anh một chiều mưa (Sáng tác: Tô Vũ; Biểu diễn: NSƯT Mai Hoa); Chuyển bến (Sáng tác: Đoàn Chuẩn - Từ Linh; Biểu diễn: NSƯT Đức Long); Tìm tên anh trên bờ cát (Sáng tác: Duy Thái; Biểu diễn : Thuỳ Dung); Bến cảng quê hương tôi (Sáng tác : Hồ Bắc; Biểu diễn: Phạm Thu Hà); Chiều trên bến cảng (Sáng tác : Nguyễn Đức Toàn; Biểu diễn: Vũ Thắng Lợi); Thành phố hoa phượng đỏ (Sáng tác: Lương Vĩnh Biểu diễn: Trọng Tấn).